PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm trong 3 tháng đầu năm nay?

Ông Nguyễn Văn Toàn
Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo số liệu được công bố, có thể thấy cả vốn FDI đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân của 3 tháng đầu năm đều giảm. Điều này cũng là thể hiện xu thế chung của vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu năm nay có nhiều thách thức lớn, tích cực và tiêu cực đan xen.

Nhìn chung, xu thế những năm gần đây của dòng vốn đầu tư là quay lại chính quốc. Trước tình hình bất ổn địa chính trị khó lường trên thế giới, nhiều nước đã dùng các chính sách ưu đãi để giữ chân dòng vốn ở lại trong nước.

Một lý do nữa là hiện nay ở các nước phát triển, công nghệ quốc phòng và công nghệ dân dụng có mối quan hệ ngày càng mật thiết. Do đó, các rào cản về xuất khẩu công nghệ, trước đây đã có, nhưng giờ lại càng được gia cố thêm để hạn chế sự cạnh tranh cả về kinh tế và quốc phòng từ bên ngoài.

PV: Với tình hình như vậy, đâu là những vấn đề chúng ta cần lưu ý trong thu hút đầu tư hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Xu hướng đầu tư nước ngoài giảm nếu kéo dài là một thách thức với tăng trưởng của Việt Nam. Với năm 2023, có một số vấn đề chúng ta cần lưu ý.

Thứ nhất là Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này hỗ trợ phát triển du lịch, thương mại, nhưng cũng là một đối thủ hết sức cạnh tranh về thu hút đầu tư. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác cũng đang nổi lên về thu hút đầu tư, chẳng hạn như Ấn Độ.

Một đối thủ mạnh nữa là Indonesia, một nền kinh tế không hơn quá nhiều so với Việt Nam và có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, họ lại hơn hẳn ta về sự chuyển đổi nhanh nhạy, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư tốt, bài bản.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Thế Dương

Thứ hai là thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng từ năm sau sẽ làm cho các nước như Việt Nam mất một công cụ quan trọng để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là với những dự án lớn, dự án có công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thuế tối thiểu toàn cầu cũng đặt ra bài toán khó cho Việt Nam trong việc giữ chân các nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi thuế. Rất nhiều nhà đầu tư lớn đang đóng mức thuế dưới 10%, vậy giải pháp cho họ thế nào?

Mặc dù vậy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng có những tác động tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài một cách chất lượng và bền vững hơn.

PV: Cụ thể đó là những cơ hội, tác động tích cực gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Mặt tích cực của thuế tối thiểu là tạo sức ép để chúng ta thay đổi, không dựa vào cạnh tranh bằng thuế như trước. Việc áp dụng thuế tối thiểu sẽ đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi để có môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh hơn, bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, logistic…

Đồng thời, điều này giúp cho Việt Nam hội nhập tốt hơn, minh bạch hơn. Lâu nay, một vấn đề chúng ta đau đầu là việc trốn tránh thuế, chuyển giá. Ước tính có khoảng 55% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam báo lỗ, không loại trừ việc trong số đó có những doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ vẫn mở rộng sản xuất, tăng doanh thu. Khi áp dụng thuế tối thiểu, sẽ xóa bỏ được các thiên đường thuế, như vậy chuyển giá sẽ lộ diện.

Mặt khác, nghiên cứu số liệu đầu tư nước ngoài cho thấy những nước mà có dòng vốn chất lượng cao ta muốn thu hút đầu tư nhất, ví dụ như là Mỹ, EU… thì đầu tư vào Việt Nam còn ít. Ngoài chuyện môi trường đầu tư có thể chưa thích ứng hoàn toàn với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU thì còn vấn đề nữa là nhiều quốc gia đang thành lập công ty ở nơi khác như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông… để đầu tư vào Việt Nam. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ nhưng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, không thể không có nguồn vốn từ nước khác. Khi có thuế tối thiểu, nguồn vốn sẽ bớt đi lòng vòng hơn.

PV: Từ góc độ đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm những vấn đề gì về môi trường đầu tư của Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Các nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sự lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng còn những băn khoăn về những vướng mắc trong khâu thực thi, đặc biệt là ở sự mâu thuẫn, chống chéo về chính sách. Chi phí không chính thức cũng là một vấn đề làm nhà đầu tư nản lòng, bởi với họ đây là vấn đề khó giải trình.

Một khó khăn nữa là hạ tầng. Hạ tầng kỹ thuật của chúng ta đang được cải thiện mạnh mẽ, nhưng hạ tầng xã hội như môi trường sống xanh, sạch, an toàn… chưa được cải thiện nhiều. Hạ tầng logistic còn chưa thuận lợi, chi phí cao. Nguồn nhân lực có sự mất cân đối khi những người giỏi thường tìm đến các trường kinh tế, trong khi nguồn nhân lực về công nghệ, kỹ thuật còn thiếu và yếu… Cải thiện được những điều này sẽ giữ chân được những nhà đầu tư đã đến và hút được những nhà đầu tư chất lượng trong tương lai.

PV: Xin cám ơn ông!

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm sâu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm sâu hơn trong 3 tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ (giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,3% trong 2 tháng đầu năm), chiếm 75,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 50,47 tỷ USD, giảm 13% so cùng kỳ và chiếm 66,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.