Khó khăn vẫn bao trùm, nhưng tín hiệu tích cực đang rõ nét
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nhiều chỉ tiêu nổi bật

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ về các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo nên những gam màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2023.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP của quý II/2023 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023… Với tăng trưởng GDP của quý II như vậy, tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước chỉ đạt 3,72%, con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

“Mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực” - Tổng cục Thống kê nhận định.

CPI bình quân 6 tháng tăng 3,29%

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tính chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, ở trong nước tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng; thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực trở lại.

Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26%; tăng trưởng tín dụng đạt 3,13%. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/6/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.138,45 điểm, tăng 5,9% so với cuối tháng trước và tăng 13,04% so với cuối năm 2022...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 1.296,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%). Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về xã hội, theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư trong 6 tháng đầu năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 khi tỷ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập trong 6 tháng đầu năm nay không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm 2022 là 94%, tăng 15 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo 6 tháng năm 2022. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện...

Đánh giá chung về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay không đạt như kỳ vọng, nhưng là sự nỗ lực hết sức, là kết quả của nội lực nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, thách thức của kinh tế - xã hội, chính trị thế giới.

Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô

Theo bà Hương, dự báo kinh tế - xã hội quý III năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% như kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.

Trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn. Tổng cục Thống kê đề nghị các bộ, ngành tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước tiên, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, vốn nước ngoài và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch… nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, khó khăn vẫn bao trùm kinh tế nửa đầu năm 2023 nhưng tín hiệu tích cực đang rõ nét hơn. Bàn về động lực tăng trưởng của 6 tháng cuối năm, ông Võ Trí Thành cho rằng cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy giải ngân đầu tư công... thông qua gỡ khó cho nhiều dự án, công trình bất động sản.

Trên 34% doanh nghiệp tin tưởng xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6/2023 ghi nhận những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 113 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng 6 tháng qua, ghi nhận khoảng 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của thời điểm 5 tháng đầu năm 2023. Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy: có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.