Không để tồn đọng hồ sơ hoàn thuế gây bức xúc cho doanh nghiệp
Ngành Thuế tích cực giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp gỗ. Ảnh: TL

PV: Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc khẩn trương tháo gỡ vướng mắc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp (DN), Tổng cục Thuế đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa bà?

Không để tồn đọng hồ sơ hoàn thuế gây bức xúc cho doanh nghiệp
Bà Lê Thị Duyên Hải

Bà Lê Thị Duyên Hải: Ngay trong ngày 26/5 nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn

2099/TCT-KK yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế GTGT trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định; không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và DN.

Đồng thời, các cục thuế bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận từ người nộp thuế (NNT) và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho DN, đảm bảo đúng thời hạn quy định.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho NNT về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết hoàn thuế cho NNT đảm bảo công khai, minh bạch. Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra thì phải có thông báo bằng văn bản cho NNT được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật…

Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, DN, thì tổ chức đối thoại ngay với hiệp hội, DN để làm rõ vướng mắc, tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng cục Thuế. Trường hợp hồ sơ chưa được chấp nhận do chưa đủ thủ tục, thì phải thông báo bằng văn bản cho NNT, ghi rõ lý do không chấp nhận hồ sơ…

PV: Bà có thể chia sẻ đôi nét về kết quả ngành Thuế đã giải quyết hoàn thuế cho DN, đặc biệt là DN sản xuất mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ thời gian qua?

Bà Lê Thị Duyên Hải: 5 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế đã ban hành 6.458 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn là 42.670 tỷ đồng, bằng 23% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2023 được Quốc hội thông qua, bằng 82% so với cùng kỳ thực hiện.

Đối với công tác hoàn thuế cho DN sản xuất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, ngành Thuế đã giải quyết hoàn thuế cho 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn là 19.100 tỷ đồng.

PV: Có kiến nghị cho rằng, ngành Thuế đang gây khó khăn cho DN trong công tác hoàn thuế, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Đến nay, ngành Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của NNT. Chỉ còn 20% số hồ sơ thuộc diện phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Tuy nhiên, cũng còn một số hồ sơ đang có vướng mắc và phản ánh của hiệp hội, DN về việc hồ sơ đã nộp cho cơ quan thuế nhưng đến nay chưa được giải quyết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế rà soát làm rõ vấn đề vướng mắc, thông báo rõ cho NNT lý do dẫn đến chậm hoàn thuế. Đến nay, nhiều cục thuế đã tổ chức làm việc, đối thoại trực tiếp với DN.

Qua đó, đã có những trường hợp sau đối thoại, NNT đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế ngay. Có những trường hợp, do hồ sơ của NNT chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ cho cơ quan thuế nên đã rút hồ sơ và chuẩn bị lại…

Riêng đối với các DN xuất khẩu mặt hàng gỗ, qua phản ảnh của Hiệp hội Gỗ và các DN, Tổng cục Thuế đã rà soát tất cả các hồ sơ hoàn thuế đang tiếp nhận tại các cục thuế và chưa được hoàn thuế thì chủ yếu các hồ sơ này thuộc diện cần thực hiện xác minh đến DN trung gian bán hàng cho DN hoàn thuế.

Cụ thể, trong 548 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các DN trung gian, có 490 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F1, chiếm tỷ lệ 89,4%; có 45 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F2, chiếm tỷ lệ 8,2%; có 3 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F3, chiếm tỷ lệ 0,55%; có 5 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F4, chiếm tỷ lệ 0,95%; có 5 hồ sơ xác minh đến DN trung gian cuối cùng (người dân, hộ trồng rừng), chiếm tỷ lệ 0,9%./.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Qua công tác xác minh cơ quan thuế phát hiện 264 doanh nghiệp (DN) trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, cụ thể: có 76 DN F1 tạm dừng hoạt động; có 56 DN F1 bỏ địa chỉ kinh doanh; có 56 DN F2 tạm dừng hoạt động; có 60 DN F2 bỏ địa chỉ kinh doanh; có 4 DN F3 tạm dừng hoạt động; có 5 DN F3 bỏ địa chỉ kinh doanh; cơ quan thuế cũng đã chuyển hồ sơ của 7 DN trung gian sang cơ quan công an điều tra.