Khuyến nghị sử dụng dịch vụ giám định nếu không tự xác định được mã HS
Hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm keo ong dạng xịt nhập khẩu nhưng tùy vào thành phần sẽ được phân loại vào các mã HS khác nhau.

Tùy thành phần để phân loại

Vừa qua, có doanh nghiệp thắc mắc việc mặt hàng có chứa thành phần chiết xuất keo ong, dạng lỏng, dùng để xịt vào miệng, thì được phân loại vào các nhóm 21.06, nhóm 22.02 hoặc nhóm 22.08 tùy thuộc vào các thành phần còn lại chứa trong hàng hóa: có chứa nước, chiết xuất thực vật, đường, vitamin, cồn… hay không?

Tổng cục Hải quan cho hay, trường hợp mặt hàng là sản phẩm chỉ chứa keo ong (bee propolis), glycerin, propylene glycol, không chứa nước, không chứa cồn, không chứa ga, dạng lỏng; đóng gói dạng xịt, dùng xịt trực tiếp vào miệng để hỗ trợ giảm các triệu chứng về đường hô hấp, tăng sức đề kháng thì phù hợp phân loại vào nhóm 21.06, mã số 2106.90.99;

Trường hợp mặt hàng là sản phẩm chứa nước, chiết xuất keo ong, tinh dầu bạc hà, đường khử, glycerin… không chứa cồn hoặc chứa cồn với hàm lượng cồn không quá 0.5% tính theo tể tích, không có ga, dạng xịt, dùng xịt vào miệng, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng thì phù hợp với nội dùng chú giải chi tiết HS 2022 nhóm 22.02 và hướng dẫn tại công văn số 8183/TCHQ-TXNK nên thuộc nhóm 22.02, mã số 2202.99.50;

Quy định về phân loại mã HS có tại Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu; Thông tư 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 14/2015/TT-BTC; Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, đồng thời tham khảo chú giải chi tiết HS 2022.

Trường hợp mặt hàng là sản phẩm chứa nước, cồn (hàm lượng cồn lớn hơn 0.5% tính theo thể tích), chiết xuất keo ong, chiết xuất thực vật, bạc hà, glycerol, đường khử… dạng xịt, dùng xịt trực tiếp vào miệng để hỗ trợ giảm các triệu chứng về đường hô hấp thì không phù hợp với nội dùng chú giải chi tiết HS 2022 nhóm 22.02 và hướng dẫn tại công văn số 8183/TCHQ-TXNK nên không thuộc nhóm 22.02, mà phù hợp phân vào nhóm 22.08, mã số 2208.90.99.

Trường hợp các mặt hàng có tên khai báo khác nhau: “Xịt keo ong”, “Xịt họng keo ong”, “Spray honey”, “Spray Propolis”…, tùy theo thành phần các chất bổ sung, cánh đóng gói… sẽ được phân loại vào một trong ba nhóm dẫn trên.

Doanh nghiệp khi nhập khẩu các mặt hàng chứa chiết xuất keo ong, nếu dựa vào thành phần cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói mà chưa tự xác định được đúng mã số hàng hóa theo hướng dẫn nêu trên thì có thể thực hiện thủ tục xác định trước mã số HS hoặc có thể sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Phân loại đúng có vai trò quan trọng

Phân loại hàng hóa để xác định đúng mã số hàng hóa, làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Khuyến nghị sử dụng dịch vụ giám định nếu không tự xác định được mã HS
Công chức Cục Kiểm định hải quan thực hiện phân tích hàng hóa nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, việc phân loại đúng có vai trò quan trọng đối với cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý.

Đối với doanh nghiệp, phân loại đúng mã HS cho hàng hóa nhập khẩu sẽ là tiền đề đảm bảo cho việc tuân thủ luật pháp trong nước và pháp luật quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Cẳng hạn như, phân loại đúng mã HS giúp doanh nghiệp xác định đúng % thuế suất theo quy định của nhà nước, từ đó nộp đủ các loại thuế cần nộp, tránh trường hợp doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều lần hay phải làm thủ tục hoàn thuế, gây mất nhiều thời gian và công sức.

Bên cạnh đó, việc xác định mã HS đúng, doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích từ các FTA đúng theo quy định. Nếu xác định HS đúng trước khi hàng về, doanh nghiệp tìm hiểu được các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho việc nhập khẩu, từ đó có thời gian chuẩn bị kĩ lưỡng, đầy đủ…

Đối với cơ quan quản lý, phân loại đúng mã HS cho hàng hóa nhập khẩu giúp cơ quan quản lý nhiều lợi ích. Có thể kể đến như: tránh thất thu thuế; kiểm soát cửa khẩu, kiểm soát hạn ngạch các hàng nhập khẩu; rút ngắn thời gian thông quan, giảm lượng công việc cho cán bộ hải quan, tiết kiệm chi phí; rút ngắn thời gian giải phóng hàng, tránh hiện tượng ùn ứ hàng tại cảng, tại sân bay...

Thủ tục xác định trước mã số hàng hóa

Trong trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn ít nhất 60 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng.

Hồ sơ xác định trước mã số gồm

- Đơn đề nghị xác định trước mã số theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính;

- Tài liệu kỹ thuật do tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cung cấp (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa): 01 bản chụp;

- Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có).

Cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung.