Kinh tế Thủ đô tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn
Hà Nội duy trì tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước, bảo đảm sinh kế cho người dân. Ảnh: Nguyên Phương

Tăng trưởng được duy trì trong hơn 10 năm qua

Trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, qua nửa nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội Thủ đô đã dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Cụ thể, tăng trưởng bình quân năm 2021 - 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng năm 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021 - 2022, tổng sản phẩm GRDP tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng.

Tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng 0,52 điểm % so với đầu nhiệm kỳ; GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người, tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, trong nước nhiều địa phương sụt giảm mạnh, có địa phương tăng trưởng âm, nhưng dự báo GRDP thành phố vẫn tăng 5,97%.

"Đây là mức tăng rất tích cực và ấn tượng nếu so với kết quả chung của cả nước; thể hiện sự cố gắng rất lớn của thành phố trong bối cảnh chịu tác động bất khả kháng của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị trên thế giới" - báo cáo nhấn mạnh.

Đặc biệt, thu ngân sách được đảm bảo và vượt dự toán hàng năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán trung ương giao. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tổng chi ngân sách TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 178.465 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán giao đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ước chi ngân sách địa phương trên 30 nghìn tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán.

Xây dựng Thủ đô theo hướng xanh, thông minh, hiện đại

Giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021 - 2022 đã hoàn thành 218 dự án. Năm 2023 dự kiến hoàn thành 164 dự án. Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành, hoặc đã khởi công như: vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường vành đai 2 trên cao…

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Thành phố đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô; dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô; ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Kiên trì thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược

Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội nhận định, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong nửa sau nhiệm kỳ là rất lớn, càng khó khăn hơn khi bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều thách thức đặt ra. Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi nghị quyết ở mức cao nhất, Hà Nội tiếp tục kiên trì thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.

Theo đó, thành phố tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách phát triển Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hệ thống các cầu vượt sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị; nghiên cứu làm rõ nội hàm và định hướng phát huy nguồn lực nhân văn của Thủ đô trong quá trình tổ chức lập quy hoạch Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại. Để làm được điều đó, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa, thành phố sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND, UBND nhịp nhàng, đúng tinh thần “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển.

Khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cuối tháng 6

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, liên quan đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án lớn, có thời gian giải phóng mặt bằng rất ngắn, chỉ trong vòng 1 năm.

Với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, đơn vị, sự chỉ đạo sát sao của thành phố, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã được triển khai khá hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đầu tiên bóc tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau gần 9 tháng triển khai, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 80%. Đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành và đang xin ý kiến UBND thành phố, trình Thường trực Thành ủy xem xét, quyết định.

Dự kiến thời gian khởi công đồng loạt 4 gói thầu phục vụ dự án vào ngày 25/6/2023.

Từ kết quả triển khai trên thực tế, Ban Quản lý dự án đề nghị thành phố xem xét chủ trương cho phép bóc tách công tác giải phóng mặt bằng khỏi các dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự án dự kiến khởi công tại 4 vị trí. Cụ thể: vị trí 1, tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, lý trình Kml+444, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Vị trí 2, tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, lý trình Km28+000, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Vị trí 3, tại điểm giao đường trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Vị trí 4, tại điểm giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.