Sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện

Theo thông tin từ đơn vị soạn thảo, qua các ý kiến góp ý, dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, tích cực. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này được đánh giá là sẽ tạo ra những thay đổi mang tính căn bản và toàn diện cho phát triển thị trường bảo hiểm.

Những quy định mới trong dự thảo luật khi được ban hành sẽ cho phép các doanh nghiệp (DN) tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Các quy định mới trong dự thảo luật cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các DN có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Chất lượng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới. Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Chất lượng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới. Ảnh: Tú Phương

Đồng thời, dự thảo luật cũng sẽ khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy DN và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Một điểm nhấn khác trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này là đã giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho DN trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, DN không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.

* Bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu SSI Research:

Cơ quan quản lý sẽ giám sát về mặt mô hình, không can thiệp tiểu tiết

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã nêu rõ DN bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm. Trong khi đó, Bộ Tài chính ban hành quy định về khung năng lực, tiêu chuẩn, hướng dẫn việc thực hiện các chức năng: đề xuất mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro và một vài khía cạnh khác.

Như vậy, các cơ quan quản lý hiện sẽ giám sát các công ty bảo hiểm về mặt mô hình hơn là đi sâu về kỹ thuật và từng sản phẩm riêng lẻ như trước.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung và hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; cũng như các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp.

Mũi tên trúng nhiều đích

Các chuyên gia của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung mới đáng chú ý, kỳ vọng tạo bước chuyển tích cực cho thị trường bảo hiểm thời gian tới.

* Ông Đỗ Long Khánh – Chuyên gia Phân tích BVSC:

Khắt khe hơn để doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững

Chất lượng hoạt động của DN bảo hiểm sẽ được tăng cường khi dự thảo luật đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin.

Theo đó, dự thảo luật đã có các quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Đồng thời, dự thảo cũng đã yêu cầu các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán, quản trị rủi ro trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán.

Theo bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu SSI Research, dự thảo luật đã cho phép các DN bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các DN. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Còn theo ông Đỗ Long Khánh – Chuyên gia Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu được thông qua trong kỳ họp này, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) khi có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023) không chỉ có những ảnh hưởng tích cực đối với ngành bảo hiểm nói chung, mà còn đem lại lợi ích đối với DN bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và cả các nhà đầu tư chứng khoán nắm giữ cổ phiếu bảo hiểm.

Theo ông Khánh, những ảnh hưởng tích cực đó là có cơ sở khi dự thảo luật đã tăng cường trao quyền cho các DN bảo hiểm, DN tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. “Điểm này cũng phù hợp với các kế hoạch thoái vốn nhà nước ở các DN bảo hiểm và thúc đẩy kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” – ông Khánh nói.

Doanh nghiệp được chủ động xây dựng sản phẩm bảo hiểm

Tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm đáp ứng các yêu cầu cơ bản theo quy định của pháp luật. Việc sửa đổi này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo đó, dự thảo sẽ giúp giảm thủ tục hành chính phê chuẩn sản phẩm, được chủ động hơn trong quá trình thiết kế và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng hơn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là các doanh nghiệp có chủ trương đầu tư phát triển công nghệ, sản phẩm gắn với công nghệ. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý minh bạch, được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, tạo môi trường pháp lý công bằng cho các bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, đều tuân thủ các nguyên tắc chung về bảo hiểm. Quy định này cũng sẽ tôn trọng quyền tự do thoả thuận kinh tế giữa doanh nghiệp bảo hiểm và các bên, không hạn chế về nội dung thoả thuận, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt khi tham gia các hoạt động này của các bên có liên quan đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Quy định này được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bày tỏ sự hoan nghênh, ủng hộ. Việc giao cho các doanh nghiệp bảo hiểm tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thiết kế, phát triển sản phẩm cho thấy sự tin tưởng của cơ quan quản lý nhà nước đối với năng lực và uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác xây dựng, phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, việc thay đổi quy định này cũng xuất phát từ thực tiễn hiện nay khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm với đối tượng, tính chất và quy mô ngày càng đa dạng, cơ quan quản lý đã thực hiện tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm tự chủ động linh hoạt xây dựng sản phẩm, chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau cũng là một hướng đi phù hợp cho cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp bảo hiểm.