Nguồn: Vietdata. Đồ họa: TL |
Tăng nhiệt đồ dùng học tập, giá lương thực, thực phẩm
Đến hẹn lại lên, thời điểm đầu năm học mới, thị trường đồ dùng học tập, đồng phục học sinh lại sôi động. Thực tế, mùa tựu trường năm nay, giá các loại sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập và đồng phục học sinh tăng từ 10 - 15%. Cá biệt, giá của một số bộ sách giáo khoa hiện đã đắt hơn gấp rưỡi so với giá của mùa tựu trường năm ngoái. Giá đồng phục học sinh năm nào cũng tăng nhẹ, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Sách giáo khoa ở một số lớp học như lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đắt hơn gấp rưỡi, thậm chí đắt hơn gần gấp đôi so với giá sách thông thường vào năm ngoái. Một số cấp học khác giá không đổi.
Tại nhiều nhà sách, trái ngược chiều hướng tăng giá, sản phẩm đồ dùng học tập phong phú, giá cả phải chăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn khuyến mãi, giảm giá khoảng 10 - 20%. Về cơ bản, sức mua các mặt hàng này tăng từ 20 - 30% so với tháng trước.
Cùng đà tăng giá, tại một số chợ dân sinh, giá lương thực, thực phẩm “nhích” nhẹ. Cụ thể như: giá trứng gia cầm tăng khoảng 2.000 đồng/chục; giá một số loại thực phẩm như thịt lợn, bò, gà cũng tăng nhẹ. Đáng lo ngại nhất là hơn 2 tháng qua, giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh. Giá lợn hơi trên cả nước đều tăng. Tại miền Bắc, giá dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023.
Giá thịt lợn tại các chợ vẫn đứng ở mức cao, như ba chỉ có giá 135.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 130.000 đồng/kg; mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều chuyên gia dự báo, giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ duy trì đi ngang hoặc tăng nhẹ, dao động ở khoảng 65.000 đồng/kg.
Xăng dầu là hàng hóa chiếm quyền số có tỷ trọng lớn trong rổ CPI, những biến động giá cả của mặt hàng này sẽ tác động nhiều đến lạm phát.
Ở kỳ điều hành gần đây, giá xăng các loại đều giữ nguyên so với kỳ trước. Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 23.471 đồng/lít; xăng RON95-III có giá 24.871 đồng/lít. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu, trừ dầu mazut 180CST 3.5S giữ nguyên, thì đều được điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng thêm 410 đồng/lít, có giá 23.055 đồng/ lít; dầu hỏa tăng 374 đồng/ lít, có giá 23.188 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 17.704 đồng/kg. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, có 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Đề cao công tác điều hành của cơ quan quản lý
Trước lo ngại giá cả tăng, trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, điều hành giá là bài toán khó và muốn giải được chúng ta phải điều tiết thị trường thật tốt. Chìa khóa cho bài toán này là việc điều tiết giá cả thị trường hợp lý đảm bảo điều hành cung cầu. Phương pháp điều hành này phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ. Chính phủ cần tập trung vào quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Bên cạnh đó, với các mặt hàng thiết yếu, nên có sự kiểm soát chặt chẽ.
Theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt lưu ý các bộ, ngành trong điều hành phải theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, xây dựng các báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo quy định. |
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá lưu ý các bộ, ngành đảm bảo ổn định giá cả những mặt hàng là nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các dịch vụ tiêu dùng cơ bản, tránh để tăng giá ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Mặc dù còn dư địa, nhưng Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá một số dịch vụ, hàng hóa theo lộ trình, như: giá dịch vụ giáo dục, năm học 2023-2024 giữ ổn định, chưa áp dụng lộ trình tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Quyết định này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế. Theo TS. Ngô Trí Long, giá dịch vụ giáo dục có quyền số lớn, tác động đến CPI nên điều hành phải thận trọng, có lộ trình rõ ràng. Giá dịch vụ y tế, giáo dục, phải lựa các thời điểm thích hợp vì tác động rất nhiều tới người dân. Do đó, khi sửa Nghị định 81/2021/NĐ-CP cần tính toán thận trọng thời điểm điều hành giá dịch vụ giáo dục. Vị chuyên gia này cho rằng, 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ tác động nhiều tới chỉ số CPI cần được quản lý chặt chẽ. Đó là: giá nhóm giáo dục; nhóm vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch, giải trí; giá năng lượng, nhiên liệu.
Làm tốt công tác dự báo là đặc biệt quan trọng Các bộ, ngành trong thẩm quyền quản lý của mình đã điều hành linh hoạt, chủ động, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với nhau dưới sự điều hành của “nhạc trưởng” là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan Thường trực Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo tích cực, có trách nhiệm là Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Đơn cử như giá thịt lợn, mặt hàng chủ yếu trong bữa ăn gia đình Việt. Giá tăng cao sẽ tác động trực tiếp tới đời sống người dân. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi từ nay đến cuối năm tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở giống lợn. Cùng với đó, tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi trên cơ sở dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống. Ngoài ra, tăng cường kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao, bảo đảm về chất lượng thức ăn chăn nuôi. Với kinh nghiệm trong điều hành, về cơ bản công tác điều hành giá cả thị trường từ nay tới cuối năm được cho là khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều hành giá một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, cần tiếp tục theo dõi sát và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, rà soát tham số đầu vào, đánh giá bối cảnh, tác động, mức độ và liều lượng điều chỉnh phù hợp để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát cả năm. Việc công khai minh bạch thông tin về giá cũng hết sức quan trọng, để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận. |