Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nếu cần thiết thì xử lý cán bộ Đã phân bổ hầu hết vốn đầu tư công 176.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi Xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 19/5, tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường trực UBTCNS Trần Văn Lâm đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc phân bổ vốn đầu tư công, chính sách thuế…

Hết thời hạn, còn gần 280.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ

Về vấn đề chậm phân bổ vốn đầu tư công theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chương trình phục hồi), kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy viên thường trực UBTCNS Trần Văn Lâm cho hay, Nghị quyết 69 của Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn đầu tư theo chương trình phục hồi trước ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai có sự chậm trễ nên một phần vốn chưa được phân bổ.

Làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Trần Văn Lâm trả lời tại cuộc họp báo.

Theo quy định, số vốn này sẽ không được phân bổ tiếp mà đưa vào ngân sách dự phòng. Tuy nhiên vì đây là số vốn rất lớn, nếu không được phân bổ tiếp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp này. Trường hợp nào đủ điều kiện phân bổ thì có thể được xem xét phân bổ nốt; nếu không đủ điều kiện thì đưa vào vốn dự phòng, ông Trần Văn Lâm cho biết.

Thông tin về số liệu cụ thể, ông Lâm cho biết tổng số vốn đầu tư công theo chương trình phục hồi là 176.000 tỷ đồng, số đã phân bổ là khoảng 161.800 tỷ đồng, còn lại khoảng 14.100 tỷ đồng chưa phân bổ. Sau khi thẩm tra, nếu được Quốc hội đồng ý thì sẽ tiếp tục phân bổ hơn 13.000 tỷ cho 45 dự án đã đủ thủ tục, điều kiện. Số còn lại là hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục sẽ không được phân bổ tiếp tục.

Về vốn đầu tư công trung hạn, tổng kế hoạch vốn là 2,4 triệu tỷ đồng, đến nay còn lại gần 280.000 tỷ đồng chưa phân bổ. Theo ông Trần Văn Lâm, đây là số tiền rất lớn, nếu không được phân bổ tiếp thì sẽ đưa vào vốn dự phòng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều dự án đã chuẩn bị đủ điều kiện, nếu đưa vào dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến tăng cường giải ngân đầu tư công. Mặc dù đưa vào vốn dự phòng thì vẫn có thể được tiếp tục sử dụng trong giai đoạn tiếp theo nhưng thủ tục để sử dụng vốn dự phòng sẽ bị kéo dài hơn nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai. Do đó, UBTCNS đang đề xuất sẽ phân bổ tiếp lượng vốn đầu tư công để Quốc hội xem xét điều kiện từng dự án cụ thể, nếu đủ điều kiện sẽ cho phân bổ tiếp.

Liên quan đến trách nhiệm chậm phân bổ, ông Trần Văn Lâm cho rằng, việc để chậm phân bổ vốn là hạn chế lớn, khiến nguồn lực của đất nước chậm được đưa vào sử dụng. Đây cũng có thể coi là sự lãng phí. UBTCNS kiến nghị Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm khách quan, chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.

Làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công
Các đại biểu, phóng viên tham dự cuộc họp báo sáng 19/5.

Đánh giá tổng thể khi xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đối với câu hỏi về việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ông Trần Văn Lâm cho biết Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng ổn định trong thời gian dài. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật là mức tuyệt đối. Song thực tế, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế không còn phù hợp.

Đây là một trong số những vấn đề căn bản đặt ra cần xem xét sửa đổi Luật Thuế TNCN. Tuy nhiên, việc sửa đổi này cần được đánh giá một cách toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan, Ủy viên thường trực UBTCNS nêu rõ.

Đồng thời, việc xem xét, sửa đổi luật phải được sắp xếp theo trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên, phù hợp với khối lượng công việc các cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp cũng như hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp. Trong chương trình toàn khóa, tổng thể, Quốc hội khóa XV đã đưa Luật Thuế TNCN vào là một trong những nội dung sẽ được xem xét điều chỉnh, sửa đổi. Việc sửa đổi vào thời điểm nào sẽ phải căn cứ vào tổng kết, đánh giá luật.

Hỗ trợ phục hồi kinh tế không chỉ dựa vào mỗi chính sách giảm thuế

Đánh giá về các chương trình, chính sách hỗ trợ thông qua miễn, giảm thuế nói chung, Ủy viên thường trực UBTCNS Trần Văn Lâm nhấn mạnh năm 2023 dự báo thu ngân sách nhà nước rất khó khăn. Do vậy, các chính sách miễn, giảm thuế phải được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, phải có góc nhìn tổng thể để thấy chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì không thể chỉ dựa vào mỗi giảm thuế mà còn cần nhiều biện pháp đồng bộ khác. Đó là các chính sách về tài chính, tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… “Đồng thời, việc thực hiện tốt các khoản chi trong dự toán cũng là giải pháp kích cầu, thúc đẩy sản xuất, chứ không chỉ giảm thuế, giảm thu” - ông Trần Văn Lâm nói.