VCCI nêu 10 đề xuất khôi phục và phát triển vững chắc nền kinh tế Việt Nam kêu gọi đảm bảo công bằng, công lý trong chuyển đổi xanh Đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường vốn Việt Nam

Đây là thông điệp được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 diễn ra sáng 19/3.

VCCI dự kiến công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh trong tháng 4

Tại Diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện là không nhỏ.

Đó là, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam đang rất hạn chế. Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết, họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường, nhiều doanh nghiệp không có nhân lực am hiểu về pháp luật, môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp. Chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao, không hợp lý. Mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu.

Lấy ổn định chính sách để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Để hiện thực hóa mục tiêu về kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp nêu một số kiến nghị.

Thứ nhất là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường.

Thứ hai là tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững.

Ba là xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường.

Bốn là theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, VCCI đang xây dựng và dự kiến sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong tháng 4 tới. Đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ thực thi, tuân thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường.

Các kiến nghị tiếp theo là: Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp, bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong tăng trưởng xanh, nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.

Doanh nghiệp mong muốn sớm hoàn thiện Quy hoạch điện 8

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng nêu kiến nghị, đề xuất liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) cho biết, cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác, BBGV mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện Quy hoạch điện 8, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất điện đối với môi trường.

Bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm khoa học đời sống tại khu vực Đông Nam Á nếu Việt Nam xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, ông nhấn mạnh chìa khóa để tối ưu khả năng đóng góp của các doanh nghiệp vào tăng trưởng bền vững chính là các chính sách hiệu quả, nhất quán để doanh nghiệp có thể tăng trưởng và phát triển.

Lấy ổn định chính sách để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện 8 và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than.

Mặc dù có tiến bộ trong việc triển khai luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, EuroCham khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường thực thi các quy định về chất thải và thúc đẩy việc dùng nhựa phân hủy cho đến khi nhựa được loại bỏ về cơ bản.

Để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, EuroCham đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Từ góc nhìn tổ chức quốc tế, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Ông khuyến nghị, Việt Nam cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này. Đồng thời, cần có thị trường vốn để có được các mô hình huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc này để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.

Cuối cùng, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân hơn nữa, thêm cơ hội cho họ trong thị trường carbon./.