45 ngày và 100 ngày

Vào đúng ngày 30/4 năm ngoái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và tại nơi này, ông phát đi thông điệp của người đứng đầu Nhà nước: “Cả nước đồng lòng cương quyết không để Việt Nam phải trải qua một cuộc khủng hoảng y tế như một số nước; không để khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế”.

Thời điểm lúc bấy giờ, toàn dân đang say sưa với kỳ nghỉ lễ tại các bãi biển và khu vui chơi người xe chật như nêm. Các tỉnh, thành đều háo hức chào đón một mùa hè sôi động mang về nguồn thu dồi dào cho ngân sách địa phương. Bởi vậy, nhiệt từ các lò thiêu xác nạn nhân của Covid-19 ở Ấn Độ hay tình hình dịch bệnh “nước sôi lửa bỏng” ở Campuchia, Thái Lan không mảy may “lay động” được bầu không khí tưng bừng ở Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ, ngày 6/4/2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ, ngày 6/4/2022.

Chỉ trong khoảng ba tuần lễ sau kỳ nghỉ 30/4/2021, số tỉnh, thành có ca bệnh mới đã tăng nhanh chóng từ 1 tỉnh lên 15 tỉnh, thành, rồi 26 tỉnh, thành, 39 tỉnh, thành... Số ca mắc trong nước đã gấp 2 lần cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Tại miền Bắc, “giặc” hoành hành dữ dội ở tâm điểm Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt là Bắc Giang như trở thành “chảo lửa” trong suốt cả tháng 5.

Sau 45 ngày, tại “chảo lửa” của miền Bắc là Bắc Giang, giai đoạn khó khăn nhất, vất vả nhất về chống dịch Covid-19 đã đi qua mang đến “nền nhiệt” mát hơn cho toàn miền Bắc. Tình hình miền Bắc vừa bớt căng thẳng thì đến miền Nam nóng lên. Chỉ từ 1 ca nhiễm trong cộng đồng tính đến trung tuần tháng 5/2021, mà từ ngày 18/5 đến ngày 13/6/2021, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã lên tới 821 ca. Nhiều ngày tháng sau đó, gần như không thể đếm chính xác được có bao nhiêu người nhiễm, như nhìn nhận của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “trở tay không kịp”.

Bến Bạch Đằng – Một trong những điểm thu hút khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh
Bến Bạch Đằng – Một trong những điểm thu hút khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh

Trong hơn 100 ngày liên tục, TP. HCM trở thành vùng “chiến sự” gay go nhất cả nước. Đã có hàng vạn người dân ở nơi đây qua đời vì đại dịch Covid-19 và hàng nghìn cháu bé bỗng chốc trở thành mồ côi. Thời kỳ cao điểm tang thương của TP. HCM theo tổng hợp của Sở Y tế TP. HCM là từ tuần 18/8 đến 24/8/2021, trung bình mỗi ngày có hơn 300 người bị virut Corona cướp đi sinh mạng. “Tàn tro” là một trong những hình ảnh được nhắc đến nhiều nhất tại Sài gòn vào mùa thu này.

Chiến đấu 200% sức lực

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc liên tục có các cuộc làm việc với chính quyền TP. HCM và tiếp xúc, động viên nhân dân TP. HCM. Ông mượn lời thơ Bác Hồ: “Ví không có cảnh đông tàn/thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân” để nhắn nhủ TP. HCM và cũng nhắn nhủ tất cả địa phương trong cả nước cùng vững tin, gian nan không nản, tiếp tục bước về phía trước vì sự phát triển của đất nước.

Rồi những ngày đen tối nhất vì dịch bệnh ở miền Nam cũng qua. Ngay khi bắt tay vào công cuộc tái thiết, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên quả quyết: “các “pháo đài” - đội ngũ cán bộ từng chiến đấu 200% sức lực để chống dịch, thì giờ đây tiếp tục tăng tốc cũng bằng sức lực như vậy để trở lại “đường băng” phát triển kinh tế”.

Món quà truyền thừa

“Từ những bài học từ lịch sử, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thách thức, luôn có nguồn sức mạnh to lớn đến từ tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết, khó khăn không còn là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta mà trở thành động lực thôi thúc tất cả chúng ta cùng nắm chặt tay nhau tiến về phía trước, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Sau 45 ngày đối đầu “sinh, tử” ở miền Bắc và 100 ngày đối đầu “sinh, tử” ở miền Nam, kể từ tháng 10/2021, cả nước dọn dẹp “chiến trường” và xác định “sống chung” với Covid-19. Ngày 20/10/2021, TP. HCM dỡ bỏ tất cả 51 chốt kiểm soát ở địa bàn giáp ranh còn Hà Nội đồng loạt dỡ bỏ tất cả 22 chốt kiểm tại các cửa ngõ… Ngày 21/10/2021, 63/63 tỉnh thành cả nước đã đánh giá xong cấp độ dịch, với 26 tỉnh thành đạt mức xanh (mức bình thường mới), 37 tỉnh đạt mức vàng (nguy cơ trung bình), không có tỉnh thành nào mức cam (nguy cơ cao), đỏ (nguy cơ rất cao).

Cho đến tháng 3/2022, dịch bệnh bùng phát trở lại ở miền Bắc. Nhưng đến lúc này, nó chịu thua trước sự bình tĩnh và lạc quan của toàn dân. Khi cả công cuộc chiến đấu cũng như công cuộc tái thiết đều lên tới 200% sức lực. Tháng 4 năm nay, bầu không khí tưng bừng trở lại trên khắp mọi miền đất nước.

Mở đầu cho tháng 4, cũng là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ - vùng đất “Chín Rồng” anh dũng quật cường. Ông bày tỏ: “Nơi đây sẽ là điểm hội tụ tâm linh thờ kính tôn nghiêm các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam và kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc, như mạch nguồn Bắc - Nam một nhà, non sông một dải, phát triển giàu mạnh, hùng cường”.

Nhấn mạnh tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt, theo người đứng đầu Nhà nước, đây là hoạt động tâm linh mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Huyền thoại trở lại

Từ ngày 30/4 năm ngoái đến ngày 30/4 năm nay, một quãng thời gian rất ngắn nhưng đặc biệt ý nghĩa về sự gắn bó của hai miền Bắc, Nam với sự trở lại của những huyền thoại, như huyền thoại về lực lượng đoàn tàu “Không số” rẽ sóng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, với ý chí cách mạng tiến công “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

6 thập kỷ trước, trước đòi hỏi phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn tàu Không số. Đây là con đường vận chuyển chiến lược, độc đáo, đáp ứng được yêu cầu “thần tốc”, “đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.

Giống như một mối “duyên kỳ ngộ”, 60 năm sau, miền Nam lại trong cảnh lâm nguy, lần này không bởi giặc ngoại xâm mà vì “giặc” đại dịch Covid-19. Những nhận định từ năm 1961 của Thường trực Quân ủy Trung ương, sau 6 thập kỷ, vẫn mang tính thời sự đến lạ kỳ: “Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình…”.

Tinh thần “kiên quyết chi viện” cho miền Nam vào 60 năm trước, 60 năm sau vẫn nguyên vẹn. Ngày 21/8/2021, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra quyết định điều lực lượng quân đội, công an, y tế giúp đỡ nhân dân TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam tăng cường chống dịch. Hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại nỗi niềm riêng tư để lên đường vào Nam. Đây cũng là cuộc điều quân lớn nhất kể từ khi đất nước kết thúc chiến tranh. Cùng với đó, gần 3 vạn “chiến sĩ” áo trắng cũng lên đường vào Nam.

Huyền thoại đoàn tàu “Không số” năm xưa, một lần nữa được tái hiện khi Đại tướng Phan Văn Giang quả quyết: “Bộ Quốc phòng quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình, thậm chí vượt cả khả năng của mình. Quân đội sử dụng tất cả các lực lượng hiện có, kể cả không quân, vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác, quyết tâm cùng với nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa phương triệt để chống dịch để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường”.