vay

Cho vay ngang hàng đang là xu hướng thị trường hiện nay trên thế giới

Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN xung quanh việc làm thế nào giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế từ P2P Lending.

* PV: Nhờ nền tảng số, P2P Lending cắt giảm được rất nhiều chi phí, không giống như trung gian tài chính là ngân hàng. Như vậy chi phí vay sẽ rẻ đi, nhưng thực tế lãi suất vay ngang hàng lại đắt hơn. Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?

- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng là trung gian tài chính, cũng được gọi là định chế tài chính, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, nằm dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và được quốc gia bảo vệ. Các ngân hàng được tổ chức chặt chẽ và có lượng nhân viên lớn nên chi phí hoạt động rất lớn. Các công ty P2P Lending chưa được pháp luật quy định và tổ chức không chặt chẽ như ngân hàng; thường hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn tài chính và không chịu sự điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Các công ty này sử dụng công nghệ thông tin, hệ thống chi nhánh và số lượng nhân viên rất giới hạn nên chi phí hoạt động rất thấp. Tuy nhiên, về phía người cho vay thì rủi ro rất cao.

P2P Lending là một xu hướng thị trường hiện nay trên toàn cầu. Chúng ta không thể cấm nên cần phải tạo ra một sân chơi phù hợp với pháp luật và thực tế thị trường. Để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, trước hết, cần có quy định pháp lý về loại hình này. Phải có những quy định về hoạt động của các công ty P2P, trách nhiệm, quyền lợi và vai trò của họ, trách nhiệm không chỉ là giới thiệu những thành phần kinh tế với nhau mà cũng phải có chức năng kiểm soát rủi ro và quản lý rủi ro cho cả 2 bên.
hieu
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Lãi suất cho vay giữa các thành phần kinh tế với nhau hiện được quy định không quá 20%. Các công ty P2P Lending ở vai trò kết nối được phép thu những loại phí như phí giới thiệu, phí thẩm định, phí tư vấn… trong một giới hạn hợp lý. Những loại phí này chưa được luật pháp quy định mức tối đa nhưng theo tôi tất cả các loại phí không nên quá 5%. Như vậy, người cho vay hưởng lãi suất tối đa 20%, công ty P2P Lending hưởng khoản phí khoảng 5% và người đi vay chịu chi phí một năm không quá 25%. Lãi suất này cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng rủi ro cũng lớn hơn vì ngân hàng khi cho vay thường yêu cầu tài sản bảo đảm, lại có các bộ phận tín dụng, thẩm định, tái thẩm định duyệt xét từng khoản vay khiến cho rủi ro thấp. Lãi suất cũng vì thế thấp hơn, trung bình khoảng 9 - 13%. Còn cho vay ngang hàng, phần lớn không có tài sản bảo đảm, thuộc loại cho vay rủi ro cao, dựa vào tín chấp nên lãi suất cao hơn.

* PV: Ông nhận định như thế nào về hoạt động của các sàn P2P Lending hiện nay tại Việt Nam?

- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhìn chung thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam được dư luận đánh giá không tích cực. Nhiều công ty cho vay ngang hàng là những công ty huy động vốn hay cho vay trực tiếp trá hình, một số là những nhóm cho vay kiểu tín dụng đen và mang tính lừa đảo. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp (DN) làm ăn có bài bản, đàng hoàng.

Hiện trên thị trường Việt Nam có khoảng 45 công ty P2P hoạt động có đăng ký theo hình thức tư vấn tài chính, chỉ làm nhiệm vụ kết nối tài chính, không đứng ra huy động vốn và cho vay. Trong đó, có DN tôi được biết đã xây dựng sàn cho vay ngang hàng, kết nối nhà đầu tư với các DN có nhu cầu vay sau khi đã thẩm định tình hình tài chính và giới thiệu cho nhà đầu tư. Việc thẩm định dựa trên cơ sở báo cáo tài chính của DN đi vay và dựa trên các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. DN P2P này làm phận sự phân tích và thẩm đinh tín dụng, cuối cùng xếp hạng tín dụng, tương tự như ngân hàng, để các nhà đầu tư tự quyết định cho vay. Lãi suất và phí không vượt quá giới hạn 20%/năm.

Một công ty khác có trụ sở ở Hà Nội cũng đang xây dựng một sàn cho vay ngang hàng, tập trung vào các cổ đông là các DN, tổ chức cho vay ngang hàng trên cơ sở quen biết nhau giữa các thành viên.

Bên cạnh những công ty tuân thủ pháp luật và có đạo đức kinh doanh thì vẫn có những công ty biến tướng thuộc loại tín dụng đen. Dưới danh hiệu là P2P Lending nhưng thực chất là huy động vốn hay cho vay với lãi suất cắt cổ mang tính lừa đảo. Nhiều công ty loại này tìm cách thu hồi nợ với những hành động của xã hội đen, tác hại đến an ninh trật tự và đưa nhiều người vào đường cùng để chiếm đoạt tài sản.

* PV: Vậy theo ông làm thế nào để tránh rủi ro từ những hiện tượng biến tướng, trá hình của P2P Lending?

- TS. Nguyễn Trí Hiếu: P2P Lending là một xu hướng thị trường hiện nay trên toàn cầu. Chúng ta không thể cấm nên cần phải tạo ra một sân chơi phù hợp với pháp luật và thực tế thị trường. Để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, trước hết, cần có quy định pháp lý về loại hình này. Phải có những quy định về hoạt động của các công ty P2P, trách nhiệm, quyền lợi và vai trò của họ, trách nhiệm không chỉ là giới thiệu những thành phần kinh tế với nhau mà cũng phải có chức năng kiểm soát rủi ro và quản lý rủi ro cho cả 2 bên. Điều này có nghĩa là họ là người nhận được thông tin của các bên muốn đi vay thì phải phân tích và sàng lọc những thông tin đó và gửi cho những người đầu tư.

Trong vai trò trung gian như vậy, các công ty P2P phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin tương đối chính xác cho cả 2 bên. Để loại trừ những DN và cá nhân đã vướng vào nợ xấu, NHNN nên cho phép các công ty P2P tham gia truy cập thông tin tín dụng từ CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN). Hơn nữa, Nhà nước nên khuyến khích sự phát triển những công ty chấm điểm và xếp hạng tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phải có những quy định cụ thể về lãi suất và các khoản phí liên quan đến hoạt động P2P.

Vấn đề quan trọng, mấu chốt là cả nhà đầu tư và người đi vay phải hiểu rõ vai trò của P2P và nắm bắt những kiến thức tài chính cơ bản để có thể đầu tư, cho nhau vay và hiểu rõ nghĩa vụ của hai bên. Nguyên tắc “KYC” (Know your customer) mà các ngân hàng áp dụng lại càng đúng cho P2P Lending. Nếu là nhà đầu tư hãy hiểu rõ công ty trung gian (P2P) là ai, người đi vay là ai và đừng vì lãi suất cao là “nhảy” vào cho vay để cuối cùng mất tiền.

Còn người đi vay cũng phải chọn những công ty P2P làm ăn bài bản, có uy tín, đừng vì được vay dễ dãi, nhanh chóng mà lao vào những giao dịch đầy hứa hẹn, trở thành “con mồi” cho những sàn cho vay ngang hàng biến tướng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Luyện Vũ (thực hiện)