Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư đạt 95% khó khả thi

PV: Theo quy luật trong giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), thường vào những tháng cuối năm sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện đã sang gần giữa tháng 11 mà tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt một nửa kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư đạt 95% khó khả thi

Ông Lê Tuấn Anh: Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2023 của Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng tại các địa phương cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của cả nước.

Cụ thể, là những vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cần có hướng xử lý như vấn đề chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản, các vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc chương trình mực tiêu quốc gia. Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (bị thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm).

Ngoài ra, đến tháng 9/2023 mới có hướng dẫn vốn chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán năm 2023.

Hơn nữa, các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ. Việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra... Còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoặc tập trung thanh toán các hợp đồng vào mỗi cuối quý (ước tỷ lệ tháng này chỉ tăng hơn 4,3% so với ước tháng trước).

Một số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn nên đến thời điểm báo cáo chưa thể giải ngân. Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp.

PV: Với những nguyên nhân như ông vừa chỉ ra, liệu kỳ vọng giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn có thể đạt được không, thưa ông?

Khó hoàn thành giải ngân nguồn vốn các năm trước chuyển sang

Dự kiến tỷ lệ giải ngân hết tháng 10 nguồn vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang là 52,62%, so với tháng trước chưa có sự tăng tốc. Vì vậy, để giải ngân hết nguồn vốn kéo dài này trong 2 tháng còn lại (đến 31/12/2023) là khó khả thi.

Ông Lê Tuấn Anh: Theo nhận xét của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân của cả nước ước 10 tháng đạt 52% tổng kế hoạch vốn và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 52,6%.

Đặc biệt hiện vẫn còn tới 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 10%; 4 địa phương giải ngân dưới 30% trong tổng số 52 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có kết quả giải ngân ước 10 tháng thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Với thực trạng này, mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% rất khó có thể thực hiện được.

PV: Tính theo năm ngân sách thì chỉ còn hơn 2 tháng nữa, trong khi nguồn vốn cần giải ngân vẫn còn rất lớn. Ông có thể cho biết, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp gì để tiến độ giải ngân được đẩy nhanh?

Ông Lê Tuấn Anh: Bộ Tài chính là cơ quan được giao quản lý, thanh toán vốn. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính là tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2023 tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương nên đã rất sát sao với công tác này.

Theo đó, Bộ Tài chính đã thường xuyên có các buổi làm việc, kiểm tra trực tiếp và trực tuyến với các địa phương thuộc trách nhiệm quản lý của tổ. Căn cứ vào những khó khăn thực tế địa phương đang gặp phải, Bộ Tài chính đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ kịp thời. Thực tế cho thấy, tại các địa phương được kiểm tra, đôn đốc đều có tỷ lệ giải ngân cao hơn thời điểm chưa được kiểm tra.

Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư đạt 95% khó khả thi
10 tháng giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 52% tổng kế hoạch vốn. Ảnh tư liệu minh họa

Ngoài ra, với trách nhiệm của mình, tại các kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng tháng về tiến độ giải ngân của cả nước, Bộ Tài chính đều kiến nghị các giải pháp để giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực tiếp kiểm soát và thanh toán vốn cũng đã chỉ đạo toàn hệ thống nâng cao tình thần, trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ, giải quyết ngay hồ sơ sau khi nhận được từ các chủ đầu tư gửi đến; không cho phép để tồn đọng hồ sơ nào mà không có lý do.

Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân còn thấp như hiện nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn ĐTC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).

Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các địa phương “chạy nước rút” về đích

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, ngoài việc thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, tại mỗi địa phương đều đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn để chạy nước rút về đích.

Đơn cử như tỉnh Phú Yên, với tỷ lệ giải ngân 10 tháng mới đạt trên 34% kế hoạch vốn giao, chủ tịch UBND tỉnh này đã đề nghị các huyện, thị, thành phố huy động cả hệ thống chính trị ưu tiên cho công tác bồi thường GPMB để có mặt bằng bàn giao cho các chủ đàu tư; rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để kịp thời cung cấp đầy đủ cho các công trình trọng điểm.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giải ngân vốn ĐTC 10 tháng cũng mới đạt 35% kế hoạch. UBND TP. Hồ Chí Minh đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn, kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn ĐTC đạt 95% trong năm nay.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, việc phát động thi đua sẽ giúp thành phố tập trung cao nhất mọi nguồn lực, quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian không còn nhiều, trong khi đó để thực hiện các giải pháp rất cần sự quyết tâm hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, sự chung tay của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… Bởi chỉ có quyết tâm, đồng lòng chúng ta mới hy vọng cải thiện được tỷ lệ giải ngân khi kết thúc năm.