Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 hoàn toàn khả thi và có thể cao hơn Infographics: Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2021 Năm 2021: Đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu

Năm đầu tiên hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế

Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, kinh tế có những chuyển biến rất tích cực, nhất là vào quý IV của năm 2021. Tính cả năm 2021 chúng ta đạt 7/12 chỉ tiêu, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được triển khai kịp thời; công tác phòng, chống dịch đạt kết quả rất tích cực; nền kinh tế từng bước được phục hồi; Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài…

Nhấn mạnh một số kết quả của năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên cả nước ta đã hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% theo yêu cầu của Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2021 biên chế công chức giảm được 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, vượt mục tiêu yêu cầu. Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm gần 50%, là một nỗ lực rất lớn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề cập đến những mặt chưa được như những vấn đề nổi cộm liên quan đến nội dung phòng, chống dịch liên quan đến công ty Việt Á, các trung tâm CDC ở các địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm; vấn đề triển khai gói hỗ trợ kích thích kinh tế còn chậm và chưa đồng bộ; kế hoạch lộ trình cho việc mở cửa trở lại kinh tế chậm được ban hành. Nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới hồi phục khá tốt trong năm 2021. Tuy nhiên Việt Nam có một độ trễ hơn khoảng 9 tháng. Thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ dẫn đến nguy cơ rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động…

Băn khoăn về tiến độ giải ngân đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần đánh giá kỹ khả năng hấp thụ vốn, khả năng giải ngân, nếu với tình trạng hiện nay đến cuối năm 2023 khó có thể hoàn thành gói chính sách hỗ trợ phục hồi và kể cả kế hoạch đầu tư công trung hạn.Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến tình trạng sai phạm ở nhiều tập đoàn lớn trong thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng nhiều đến các địa phương, đến khả năng triển khai các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, công tác quản lý nhà nước…

Liên quan đến đầu tư công, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề cập đến một xu hướng là rất nhiều dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt là PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) thì nay chuyển hoàn toàn sang đầu tư công, trong đó có những dự án nếu đầu tư theo PPP sẽ rất hiệu quả. “Chỗ này có vấn đề gì liên quan đến Luật PPP hay không, hay là công tác tổ chức thực hiện hay lý do gì khác?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu câu hỏi và đề nghị cần có đánh giá sâu hơn, bởi nó liên quan đến một chủ trương rất lớn của Đảng, lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, chứ không phải chuyển hoàn toàn sang đầu tư công trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn khó khăn như hiện nay.

Chính phủ phải có kịch bản rất kỹ về tăng trưởng

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các báo cáo phải chọn lọc được một số vấn đề quan trọng nhất của năm 2022, bám sát theo các nghị quyết của Quốc hội và tình hình triển khai nghị quyết Quốc hội như Nghị quyết 32 về phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội về vấn đề phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết 43 về gói chính sách tài khóa và tiền tệ và các nghị quyết khác của Quốc hội về trung hạn, về 5 năm, để đánh giá việc triển khai ra sao.

Trong đó, làm rõ hơn về tình hình kinh tế có khởi sắc trong quý I, về công tác phòng chống dịch, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại các lĩnh vực liên quan đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, các cân đối lớn của nền kinh tế như thế nào, nhất là cân đối về năng lượng, cân đối về điện, tình hình cung ứng xăng dầu…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý năm 2022 về diễn biến tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. “Phải đánh giá cho kỹ vấn đề này và đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp năm ngoái như ý kiến của đồng chí Nguyễn Thị Thanh, ý kiến của Bộ trưởng Tài chính hôm trước nêu” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý mục tiêu tăng trưởng năm 2022 không phải chỉ 6 đến 6,5% theo Nghị quyết 32, còn thêm 2% nữa là theo Nghị quyết 43, với việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế. Như vậy là mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay phải là 8 đến 8,5% GDP, đòi hỏi Chính phủ phải có kịch bản rất kỹ.

Chính phủ đã nỗ lực rất lớn để triển khai Chương trình phục hồi kinh tế

Phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2020, 2021, tình hình có nhiều yếu tố bất định do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội trong đó có chỉ tiêu năng suất lao động và đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác dự báo, lập dự toán.

Về việc triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện chúng ta vừa khắc phục tác động của dịch để phục hồi, phát triển kinh tế cũng như kiểm soát dịch, do đó có nhiều việc làm rất nhanh, nhưng nhiều việc cũng làm chậm.

Ngay sau khi Nghị quyết 43 ra đời, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 để triển khai việc này. Sau 18 ngày kể từ lúc Quốc hội ra Nghị quyết 43 thì Chính phủ đã có Nghị quyết 15 về giảm thuế GTGT. Hiện nay trong tổng số nguồn lực theo Nghị quyết 43 về hỗ trợ phục hồi kinh tế là 347.000 tỷ đồng, trừ đi 46.000 tỷ đồng dùng quỹ tài chính để mua vắc xin cũng như trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch, còn lại cơ bản đã triển khai hết, chỉ còn danh mục dự án đầu tư. Danh mục dự án đầu tư so với danh mục ban đầu báo cáo Quốc hội và UBTVQH cũng không thay đổi nhiều. “Trong thời gian hơn 3 tháng làm được những chính sách này có thể nói là các bộ, ngành rất cố gắng mới được, chậm ở đây là chậm các dự án cơ sở hạ tầng” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.