Nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu để thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua biên giới

Xuất khẩu nông sản đã phục hồi sau dịch bệnh

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải ngày càng có chất lượng cao, nhiều biện pháp tạo thuận lợi đã được áp dụng để nông sản Việt Nam được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Các sản phẩm nông sản của Việt Nam ngày càng có chất lượng và đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh, triển vọng kinh tế thế giới kém tích cực, tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại, cầu thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch giúp đơn giản hóa phương thức giao nhận hàng hóa, cũng như bỏ các quy định kiểm soát chặt chẽ nhằm chống dịch bệnh đối với hàng hóa nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng xuất khẩu nông sản và hàng hóa Việt Nam qua biên giới phía Bắc đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giao dịch qua các cửa khẩu đã tấp nập trở lại, xuất khẩu qua một số cửa khẩu tăng từ 50% tới 100% so với giai đoạn trong dịch; hải quan một số cửa khẩu đã tăng thời gian làm việc trong ngày để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, mà đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới đã góp phần giúp xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam duy trì được tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023 trong khi hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam giảm mạnh.

Hải quan Tân Thanh dành riêng một cửa để thông quan mặt hàng vải thiều xuất khẩu.
Hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng nông sản xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân.

Tránh ùn ứ hàng hóa ở biên giới

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Triển vọng và tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc trong năm 2023 còn rất lớn. Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng 20 - 30%. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại như: khoai lang, chuối, chanh leo và cũng tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường đối với bưởi, mãng cầu, dừa, mận.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội đột phá từ nền tảng giá cao của năm 2022 và cơ hội do Trung Quốc mở cửa trở lại, có thể đạt tới 1 triệu tấn trong năm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 3/2023, xuất khẩu nông sản đạt 5,01 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhóm hàng nông sản giữ được tốc độ tăng trong bối cảnh các nhóm hàng chủ lực khác giảm mạnh nhờ việc xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đã góp phần thực hiện các mục tiếp phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, cần có sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền các địa phương và ngành Hải quan, đặc biệt lực lượng Hải quan ở các cửa khẩu trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hàng hóa thật nhanh chóng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tránh hiện tượng ùn ứ hàng hóa ở biên giới.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc chuyển từ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang đường chính quy đối với các mặt hàng nông sản.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quá trình đàm phán với Trung Quốc trong việc chấp nhận các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng có tiềm năng lớn.

Bên cạnh đó nước ta cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản Việt cũng như tạo cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị của Trung Quốc.

Một số giải pháp khác cũng được nêu ra như nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để có thể đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc...

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và các ban, ngành địa phương đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế - tài chính vĩ mô trong nước, quốc tế và những tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới của Việt Nam; đánh giá thực trạng các chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam và thực trạng xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, đánh giá vai trò của cơ quan hải quan và các cơ quan liên quan trong hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam; những khó khăn, thách thức đối với xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam và kiến nghị chính sách cụ thể với các cơ quan chức năng nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.