Chiều 22/10, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.

Chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9% nhưng chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.

Số chi phí khám chữa bệnh BHYT giảm không tương ứng với số lượt giảm, theo Bộ Y tế là do: thời gian điều trị nội trú kéo dài do địa phương, cơ sở y tế bị phong toả nên không thực hiện được việc chuyển bệnh nhân giữa các tuyến, kể cả trường hợp đã được điều trị ổn định. Bên cạnh đó, việc kê đơn phát thuốc tăng từ 60 đến 90 ngày/lần nên chi phí thuốc ngoại trú không giảm...

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đã ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Bộ Y tế đã 4 lần sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT để nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT.

Về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tạm thời chưa thực hiện trong thời gian này để không tác động người dân, doanh nghiệp.

Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020, tổng thu quỹ BHYT 110.395 tỷ đồng; chi BHYT năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối quỹ BHYT: tổng số thu quỹ BHYT lớn hơn tổng số chi quỹ BHYT là 5.071 tỷ đồng; dự kiến số dư quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm.

Các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Việc cân đối quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ BHYT, tuy nhiên số người tham gia BHYT tăng, nhưng phần lớn được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp.

Ngoài ra, mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ BHYT ngày càng được mở rộng; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ là hướng đi đúng

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.

Theo Ủy ban Xã hội, mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.

Bên cạnh đó, vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.

Về thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, liên quan đến nhiệm vụ chuyển chi NSNN trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân thông qua BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Ủy ban Xã hội cho rằng, chính sách này là hướng đi đúng đắn, đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế và là giải pháp hữu hiệu để minh bạch hóa việc sử dụng nguồn NSNN. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa được hoàn thành đúng hạn theo yêu cầu. Nhiều địa phương chưa hỗ trợ thêm cho các đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng một phần BHYT.

Ủy ban này đã kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, ủy ban kiến nghị cần tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành NSNN để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, ưu tiên ngân sách cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (tuyến y tế xã, bệnh viện huyện), công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm giao chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương; nghiên cứu phương án nâng mức đóng BHYT phù hợp với khả năng chi trả của người dân và NSNN.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng cho một số đối tượng để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu từng bước chuyển chi hỗ trợ của NSNN cho cơ sở khám chữa bệnh sang chi hỗ trợ cho người dân thông qua BHYT./.

Nâng độ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên Đề xuất sử dụng căn cước công dân có gắn chíp thay thẻ BHYT đi khám chữa bệnh Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 32,49% dân số