ngân sách

Nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN. Ảnh minh họa

Cụ thể theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN (sau khi loại trừ hoàn thuế GTGT 80.006 tỷ đồng) của năm 2014 ước khoảng 858.053 tỷ đồng, bằng 109,6% dự toán (tăng 75.353 tỷ đồng), bằng 101,4% so với báo cáo Quốc hội (tăng thêm 11.653 tỷ đồng).

Trong đó, hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao, tuy nhiên vẫn có 6 địa phương thu không đạt kế hoạch.

Bộ Tài chính cũng cho biết, nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN.

Để có được kết quả như trên, trong chỉ đạo điều hành, Bộ đã thường xuyên chỉ đạo hệ thống Thuế, Hải quan và các đơn vị chức năng của Bộ duy trì thường xuyên công tác rà soát, nắm đối tượng và nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tăng cường công tác chống thất thu, kịp thời phát hiện các địa bàn, lĩnh vực còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp và phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Thực hiện đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan liên quan...

Cùng với đó, quản lý chi ngân sách đã thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo theo dự toán được giao. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng, an ninh, GD-ĐT, y tế, văn hoá, đảm bảo ASXH và xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng phát sinh. Nhờ vậy, đã đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3%GDP./.

N.P