Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 Doanh nghiệp mong mỏi những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn

Đóng góp của doanh nghiệp chiếm 52% - 55% số thu ngân sách

Chiều 11/10, phát biểu tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định Bộ Tài chính đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nghiệp và doanh nhân trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển của quốc gia.

Nghiên cứu đề xuất tiếp tục nhiều chính sách miễn, giảm thuế cho năm 2024
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt ngày 11/10.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong lĩnh vực ngân sách, đóng góp hàng năm của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm từ 52% đến 55% số thu ngân sách, nếu tính trên tổng thu cả dầu thì chiếm từ 43 - 46%. "Điều đó thể hiện vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân", Thứ trưởng nói.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt khi dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế, dưới sự điều hành của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu đề xuất trình cấp có thẩm quyền, ban hành các chính sách về gia hạn, miễn giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được triển khai.

Đơn cử như đã gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng; có 36 loại phí, lệ phí được giảm; giãn hoãn tiền nộp thuế đất, tiền thuê mặt nước; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhiều mặt hàng xuống 50% - 70%...

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành 56 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 18 Nghị định của Chính phủ và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư của Bộ Tài chính.

Quy mô các chính sách hỗ trợ năm 2023 khoảng 196.000 tỷ đồng

Theo đó, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong năm 2020 là 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là 145 nghìn tỷ đồng và năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, quy mô gói hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả chính sách miễn giảm tiền thuê đất mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành mới đây.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí… với giá trị lớn và phạm vi rộng nêu trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, để đóng góp những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, Thứ trưởng khẳng định.

Nghiên cứu đề xuất tiếp tục nhiều chính sách miễn, giảm thuế cho năm 2024
Đại diện các doanh nghiệp tham dự cuộc gặp mặt chiều 11/10.

Thời gian tới, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã áp dụng cho năm 2023; rà soát và báo cáo Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT như đã áp dụng cho năm 2023; tiếp tục rà soát áp dụng giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu; giảm mức thu một số mức phí, lệ phí, khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2023: Đã hoàn 104.000 tỷ đồng thuế GTGT

Cũng tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đã làm rõ về thông tin hoàn thuế GTGT với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản. Theo Thứ trưởng, tính đến ngày 10/10, số thuế GTGT đã hoàn là 104.000 tỷ đồng, chiếm 65% số đã báo cáo Quốc hội sẽ hoàn trong năm nay.

Riêng với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, trong 8 tháng đã hoàn thuế 7.967 tỷ đồng. Tính từ năm 2019 đến nay, riêng ngành này đã hoàn thuế đạt 68.000 tỷ đồng. Hiện tại, cơ quan thuế đang giải quyết kiểm tra 99 hồ sơ hoàn thuế (của ngành gỗ) với số tiền 802 tỷ đồng, theo quy định là thuộc diện kiểm trước hoàn sau. Ước tính có khoảng 73% số hoàn thuế thuộc diện hoàn trước kiểm sau, 27% thuộc diện kiểm trước hoàn sau.

Trong trường hợp cơ quan thuế hoàn thuế chậm, thì theo quy định của Luật Quản lý thuế, cũng sẽ phải trả tiền chậm hoàn tương tự như người dân khi chậm nộp thuế phải trả tiền chậm nộp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.