Nhiều cổ phiếu giảm sàn

Giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua và đến hôm nay mới phản ánh vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên số rất lớn các cổ phiếu khác cũng giảm, dù chứng khoán thế giới khá bình yên. Thậm chí trong phiên hôm nay các thị trường tương lai của chứng khoán Mỹ còn xanh.

Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư có thể đến từ sức ép cắt lỗ quá mạnh. Lý do là dù VN-Index chưa thủng đáy nhưng rất nhiều cổ phiếu đã giảm 15% thậm chí 30% so với đáy gần nhất. Nếu cứ nhìn chỉ số thì mức độ thua lỗ sẽ gia tăng từng ngày. Do đó nhu cầu cắt lỗ sẽ đột biến ở từng thời điểm.

Ngược thế giới, cổ phiếu lại bị bán tháo, VN-Index rơi sát đáy cũ
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Hôm nay có thể là một ngày như vậy, vì thị trường không có thông tin bất lợi nào xuất hiện. Thế nhưng lực bán đã đẩy hơn 220 cổ phiếu trên HoSE và HNX giảm xuống tận giá sàn và gần như tất cả số này đều hết sạch dư mua. Tổng cộng hai sàn niêm yết, số tăng giá là 95, nhưng số giảm tới 496 cổ phiếu. Trong khi cả tháng 3, tháng 5 vừa qua cũng chỉ có 5 phiên lượng cổ phiếu giảm sàn vượt 200 mã trong ngày.

Nhóm blue-chips đã không thể nào giúp chỉ số cưỡng lại được sức ép quá lớn từ phía giảm. VNM rất xuất sắc tăng 3,45% và là một trong hai mã duy nhất của nhóm VN30 còn tăng. Cổ phiếu này cũng không thu hút được nhiều thanh khoản cho thấy nhà đầu tư ít bán, hơn là có cầu bắt đáy mạnh. VJC là mã còn lại tăng 1,68%.

Phía giảm thì quá nhiều. Riêng trong nhóm VN30 đã có 5 mã giảm sàn là GAS, HPG, POW, SSI và STB. Trong số này, GAS và HPG thuộc Top 10 vốn hóa của VN-Index. Đó là chưa kể tới BID giảm 6,65% cũng sát mức sàn, MSN giảm 5,13%, MWG giảm 4,89%, TCB giảm 4,35%...

Dưới sức nặng của nhóm cổ phiếu blue-chips lớn nhất, VN-Index giảm 3,03%, đóng cửa còn 1.180,4 điểm. Tất cả các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh. Nếu tính theo chỉ số nhóm ngành đại diện thì cổ phiếu năng lượng giảm 6,52%, cổ phiếu tài chính giảm 3,15%, cổ phiếu công nghiệp giảm 3,87%, cổ phiếu vật liệu giảm 5,95%... Nếu xếp theo nhóm vốn hóa thì cổ phiếu midcap giảm 4,11%, cổ phiếu smallcap giảm 4%, VN30 giảm 2,58%.

Trông cậy khả năng VN-Index giữ được đáy

Với mức đóng cửa hôm nay chỉ còn 1.180,4 điểm, VN-Index đã rơi trở lại sát đáy tháng 5 vừa qua (đóng cửa thấp nhất 1.171,95 điểm). Ngưỡng sâu nhất chỉ số chạm tới trong tháng 5 là 1.156,54 điểm. Như vậy dù tính theo mốc nào thì VN-Index cũng đang kiểm định lại đáy cũ.

Việc kiểm định lại đáy này mang tính biểu tượng. Các nhà đầu tư thường coi chỉ số VN-Index đại diện cả thị trường, vì thế khi còn giữ được đáy tức là thị trường còn cơ hội. Mặt khác, việc kiểm định lại đáy là một tín hiệu kỹ thuật thông thường, nếu thành công sẽ phát tín hiệu quan trọng về xu hướng.

Nói cách khác, cả thị trường đang trông chờ vào một vài phiên kế tiếp xem kết quả phát đi là một xu hướng tăng mới khởi động lại, hay một nhịp giảm sâu hơn nữa. Nếu VN-Index không giảm sâu hơn đáy tháng 5 hoặc chỉ giảm qua rồi lại phục hồi, đó sẽ là tín hiệu tốt. Nhà đầu tư có thể coi đó là tín hiệu để mua vào. Ngược lại, nếu VN-Index tiếp tục giảm sâu hơn đáy, xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 4 sẽ lại tiếp diễn và đích đến sẽ còn thấp hơn nữa.

Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm thủng đáy như BID, HPG, VPB, CTG sẽ là những mã có khả năng tạo sức ép rất lớn lên chỉ số. Khi đã giảm thủng đáy, nhà đầu tư thường lo sợ và cắt lỗ mạnh tay. Trong khi đó VN-Index bị ảnh hưởng bởi vốn hóa là điều rất rõ ràng. Vì vậy 1 - 2 phiên tới sẽ là thời điểm mang tính quyết định về xu hướng của chỉ số.

Ngược thế giới, cổ phiếu lại bị bán tháo, VN-Index rơi sát đáy cũ

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

13.816 đồng (-4%)

522,3 triệu (-7%)

1.420 tỷ đồng (+1%)

61,8 triệu (-11%)