Chờ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vào mạnh trở lại

Tại Tọa đàm Triển vọng đầu tư năm 2022 do FiinGroup phối hợp với Vneconomy tổ chức chiều 25/2, các chuyên gia của FiinGroup cho biết, trên thị trường chứng khoán, VN-Index vẫn lình xình quanh mốc 1.500 điểm, trong khi thanh khoản còn khá yếu trong giai đoạn hai tháng đầu năm 2022, mặc dù có cải thiện đáng kể trong mấy ngày gần đây. Điều này thể hiện qua mức thanh khoản bình quân cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM chỉ tương đương mức bình quân cả năm 2021 và bằng khoảng 80% so với bình quân của thời kỳ đỉnh cao là quý IV/2021.

Nhà đầu tư chứng khoán đang ngóng chờ các yếu tố xúc tác để giải ngân
Các chuyên gia của FiinGroup trao đổi tại tọa đàm.

Theo bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính, FiinGroup, thanh khoản giảm trong trong bối cảnh số tài khoản mở mới tăng mạnh với số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư ở mức cao và dòng tiền cho vay margin tăng mạnh từ 150 nghìn tỷ đồng tại 30/9/2021 lên 175 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. Như vậy, tâm lý chung là nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ những yếu tố xúc tác để có thể “giải ngân” trong thời gian tới. Thực tế, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE vừa mới cải thiện đáng kể trong ba phiên gần đây, đặc biệt là trong ngày 24/2/2022 sau sự kiện xung đột tại Ukraine.

Để đánh giá triển vọng thị trường cả năm 2022, FiinGroup đưa ra khung đánh giá sử dụng ba nhóm yếu tố chính: nhóm các yếu tố bên ngoài (môi trường kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát, ...); triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp; và mặt bằng định giá của thị trường đang ở đâu so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Riêng về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, bà Đỗ Hồng Vân cho biết, điểm tích cực là lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng tốt năm 2022, nhất là các nhóm ngành đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong hai năm qua.

Nhà đầu tư chứng khoán đang ngóng chờ các yếu tố xúc tác để giải ngân

Số liệu kế hoạch và dự báo cập nhật của giới phân tích được FiinGroup tổng hợp cho các doanh nghiệp lớn chiếm 58% tổng vốn hóa toàn thị trường cho thấy, mức tăng trưởng kế hoạch được kỳ vọng ở khoảng 20%. “Số liệu này sẽ cần được cập nhật và đánh giá lại sau khi các doanh nghiệp thông qua tại đại hội cổ đông trong hai tháng tới. Tuy nhiên, theo quan sát của FiinGroup thì con số dự báo cập nhật sẽ tăng do nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch ban đầu thường thấp hơn số liệu thực tế, nhất là các doanh nghiệp có sở hữu nhà nước” – chuyên gia từ FiinGroup chia sẻ thêm.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đã phân tích về cung – cầu cổ phiếu cả sơ cấp và thứ cấp cùng ảnh hưởng đến triển vọng thị trường. Theo đó, về nguồn cung cổ phiếu, tiếp tục đà tăng năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ huy động 120 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 thông qua các hoạt động phát hành vốn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các đợt phát hành được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ thành công rất thấp. Do đó, bên cạnh diễn biến giao dịch của khối ngoại, cổ đông nội bộ,... đây sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cung cầu dòng tiền trên thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo FiinGroup, chỉ khi nào dòng tiền từ phần đông nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mạnh thì mới hấp thụ được nguồn cung cổ phiếu thứ cấp như kế hoạch của các doanh nghiệp.

VN-Index đang ở nền định giá tương đối cao, nhà đầu tư nên lưu ý điều gì?

Theo thông tin từ FiinGroup, định giá tính theo lợi nhuận (P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng, định giá P/E của VN-Index hiện ở mức 17,2 lần. Đây là mức tương đương với trung bình của giai đoạn 2018 đến nay.

Nhà đầu tư chứng khoán đang ngóng chờ các yếu tố xúc tác để giải ngân

Tuy nhiên, tại tọa đàm, chuyên gia của FiinGroup cũng đã chỉ ra điểm lưu ý quan trọng. Cụ thể là định giá của thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngân hàng. Hiện các ngân hàng niêm yết chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận cũng như vốn hóa trong các tính toán về định giá cho thị trường. Tuy nhiên, do đặc thù ngành, P/B (giá/giá trị sổ sách) là chỉ số hợp lý hơn để định giá cổ phiếu ngân hàng thay vì P/E.

Vì vậy, để thấy rõ hơn bức tranh định giá của thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho rằng, nên xem xét định giá khối ngân hàng và khối phi tài chính riêng biệt.

Theo đó, với cổ phiếu nhóm phi tài chính, P/E đang ở vùng cao so với lịch sử. Còn với cổ phiếu ngân hàng, P/B hiện đã tiệm cận mức cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Tần suất mà định giá của khối ngân hàng chạm vùng cao này trong hơn 10 năm qua là rất ít, cho thấy năm 2022 bắt đầu trên một nền định giá cao.

Do đó, tại tọa đàm, chuyên gia của FiinGroup đã đưa ra hai điểm mà nhà đầu tư nên lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư hay chọn lựa cổ phiếu cho năm 2022.

Đầu tiên là, trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E. Do vậy, những cổ phiếu có tăng trưởng dự kiến cho năm 2022 thấp hơn P/E sẽ có thể gặp rủi ro khi nhìn trên chiều dài một năm nếu không kể lướt sóng ngắn hạn.

Tiếp đến, nhà đầu tư cần quan tâm tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 liệu có tiếp diễn được sang năm 2023 hay không. Nếu câu chuyện tăng trưởng không còn kéo dài sang năm 2023, cổ phiếu có khả năng chỉ tăng được nửa đầu năm và đối mặt với rủi ro đảo chiều trong nửa cuối năm giống như diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép trong năm 2021 (tăng mạnh nửa năm và giảm mạnh cuối năm)./.