dien gia

Các diễn giả giải đáp thắc mắc cho hộ kinh doanh cá thể trong việc chuyển lên doanh nghiệp. Ảnh Vũ Lê

Phát biểu tại diễn đàn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 26/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh đã và đang có những đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đất nước, đã giải quyết gần 8 triệu việc làm. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 4,7 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra 2.188 nghìn tỷ đồng doanh thu, nộp thuế 12.362 nghìn tỉ đồng.

Khoảng 80% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).

“Đây là những mô hình kinh tế bản lề, là bàn đạp để hình thành nên những công ty, tập đoàn lớn. Vì vậy cần có những cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh ngày càng phát triển và lớn mạnh”, ông Lộc nêu quan điểm.

Tại diễn đàn, khá nhiều ý kiến nêu ra liên quan đến những khó khăn của việc chuyển đổi lên DN như khó khăn về nhân lực có trình độ sẽ phải tăng lên, lo lắng về gánh nặng chí phí... Một số hộ kinh doanh nêu lý do chưa muốn chuyển đổi là do sợ phải đối mặt với những quy định liên quan đến chính sách thuế, báo cáo tài chính…

Tuy nhiên, đa phần hộ kinh doanh cá thể đều chưa nhận thấy được những lợi ích khá rõ một khi chuyển đổi lên DN như được thêm nhiều cơ hội nâng vị thế của mình trên thương trường, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh (dễ vay vốn ngân hàng...)…

Tại diễn đàn, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế Thu nhập cá nhân của Tổng cục Thuế cũng nêu ra nhiều lý do cho thấy vì sao nhiều hộ kinh doanh chưa muốn chuyển lên DN. Theo bà Lan, hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN có hai nhóm: Nhóm kinh doanh chân chính ngại lên DN vì sợ thủ tục, còn lại là nhóm lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp.

“Tới đây cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh, khi đó sẽ không còn khoán theo cách buông lỏng như hiện nay nữa, mà sẽ quản lý điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn”, bà Lan nói./.

Vũ Lê-Đ.Doãn