Nhu cầu tham gia bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh cá thể là chính đáng

Liên quan đến 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2003 đến năm 2016 đang được đông đảo cử tri quan tâm, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, về chủ hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia BHXH bắt buộc xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như:

Theo ông Thắng, đến thời điểm hiện nay, các quy định liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, mới nảy sinh câu chuyện trên. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp để đảm bảo lợi ích của người dân.

Khi triển khai thực hiện Nghị định số 01 (năm 2003) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH, do nhận thức chưa đầy đủ và áp lực của việc mở rộng độ bao phủ BHXH, nên một số tỉnh, thành đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Số đông chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là chủ sử dụng lao động, vừa là người lao động, nên nhu cầu tham gia để hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế như người lao động là chính đáng.

Mặt khác, thời gian này chưa có chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện, nên việc tham gia đóng BHXH của chủ hộ cũng không phải thuộc điều cấm của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng BHXH - về bản chất là tích cực góp phần tăng thêm diện bao phủ BHXH, phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trường hợp hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm cho phù hợp
Nhu cầu tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh cá thể để hưởng các chế độ về bảo hiểm như người lao động là chính đáng. Ảnh minh họa

Trả lời phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, bản thân chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, đồng thời là người quản lý. Pháp luật BHXH thời điểm đó cũng không có quy định nào nói chủ hộ kinh doanh cá thể không được tham gia.

Bên cạnh đó, mong muốn của người lao động được tham gia vào lưới an sinh xã hội là hợp lý và chính đáng. Những người đã tham gia BHXH bắt buộc rồi thì cần phải được bảo vệ quyền lợi chính đáng trên nguyên tắc đóng- hưởng.

Đảm bảo quyền lợi theo nguyên tắc đã đóng phải được hưởng

Xung quanh vấn đề vướng mắc của hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc, ngày 6/6, tham gia giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về bản chất và đạo lý thì không có gì sai nhưng quy định pháp luật thì phải có hợp đồng giao kết mới tham gia BHXH.

Trong khi nhân viên của họ do có giao kết hợp đồng thì được nộp nhưng với chủ hộ kinh doanh cá thể không có hợp đồng lao động nên không được tham gia BHXH bắt buộc. Về bản chất, chủ hộ kinh doanh là người lao động nên việc tham gia BHXH thì chấp nhận được nhưng pháp luật không quy định. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong quá trình sửa Luật BHXH tới đây cần nghiên cứu cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc vì họ là vừa là người lao động, vừa là người có thu nhập.

Sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trường hợp hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm cho phù hợp
Sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trường hợp hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm cho phù hợp với thực tiễn. Ảnh minh họa

Ở góc độ cơ quan thực thi chính sách BHXH đề xuất giải pháp, ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết, tương tự như trường hợp hộ kinh doanh cá thể, năm 2021, vấn đề này cũng đã có tiền lệ khi thu BHXH của xã đội phó, phó trưởng công an xã, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại xã. Khi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 101 cho phép ghi nhận thời gian đã đóng là thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đó là điều rất hợp lý.

“Quan điểm của BHXH Việt Nam tới đây sẽ đề xuất giải quyết theo hướng Chính phủ có quyết sách để ghi nhận thời gian tham gia BHXH bắt buộc của hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể này” - ông Thọ thông tin.

Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, chỉ thiếu hợp đồng giao kết lao động để đảm bảo hồ sơ về tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, không thể chủ hộ tự ký hợp đồng cho chính mình được nên dẫn tới vướng mắc trên. Điều này giải quyết bằng việc thống nhất đưa vào trong Luật BHXH sửa đổi.

Ông Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất trong Luật BHXH sửa đổi với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người dân theo hướng tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng, đã đóng phải được hưởng.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành để xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Sửa Luật BHXH cơ bản sẽ giải quyết được vướng mắc liên quan tới hộ kinh doanh cá thể” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định.

Bộ LĐ- TB&XH đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh cá thể sang nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang BHXH tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn tổ chức đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ BHXH.

Bộ LĐ- TB&XH đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh cá thể sang nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang BHXH tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn tổ chức đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ BHXH.