Những gói hỗ trợ tài khóa “chưa từng có” giúp kinh tế vượt “gió ngược”
Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh: TL

Kiên định đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Dành nhiều lời ngợi khen cho những kết quả sau sự cố gắng nỗ lực 1 năm qua của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: “Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định, trong thành tích chung đạt được của cả nền kinh tế, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Phó Thủ tướng không quên ghi nhận, đánh giá rất cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả tích cực Bộ Tài chính đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.

Vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách

“Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Những thành tựu đạt được trong năm qua cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ và biểu dương toàn ngành Tài chính: “Điểm sáng đầu tiên phải kể đến là quản lý chính sách tài khóa có hiệu quả, mà điểm sáng trong thu NSNN, hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt trong thu NSNN năm nay dự kiến vượt 10% dự toán, cao hơn so với cùng kỳ năm trước”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tham mưu Chính phủ, Quốc hội giãn, giảm thuế, phí và lệ phí gần 200 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. “Đây cũng là năm thứ 3 kể từ khi có dịch, chúng ta hoàn thành xuất sắc trong nhiệm kỳ này, với số thu NSNN luôn đạt và vượt dự toán được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm trước” - Bộ trưởng nhận định.

Chúng ta vừa trải qua 4 năm đại dịch Covid-19, khi mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn, Chính phủ đã kiên định, nhất quán trong mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Chính sách được thực hiện thông qua việc miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Duy trì chính sách “ứng vạn biến” trong ngắn hạn

Những gói hỗ trợ tài khóa “chưa từng có” giúp kinh tế vượt “gió ngược”
Ảnh minh họa

Những chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí được thực hiện ngay từ năm 2020, nhưng gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất phải kể để năm 2022 được bắt đầu với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.

Qua thống kê cho thấy, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, đã miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách, với tổng gói hỗ trợ 4 năm qua lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp với nhiều biến động lớn và nền kinh tế trong nước chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, về cơ bản Chính phủ đã vượt qua thách thức và đạt được những thành công nhất định. Tăng trưởng GDP 5% khẳng định sự thành công lớn trong điều hành, dù không đạt mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là “nhiệm vụ bất khả thi”. Với mức tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam đã ghi danh vào là một trong những quốc gia trong nhóm có tăng trưởng cao nhất khu vực. Dù tăng trưởng kinh tế không đạt nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%.

Sang năm 2024 dự báo còn khó khăn hơn, những thách thức đặt ra cũng nhiều hơn. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, đến năm 2024 - 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

Có ý kiến cho rằng, dự báo bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2023-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Chèo lái “con thuyền” ngân sách cập bến thành công

Nhắc đến những thành công trong điều hành chính sách tài khóa những năm qua không thể không nhắc đến nỗ lực điều hành của Bộ Tài chính. Trong khó khăn vẫn chèo lái “con thuyền” ngân sách cập bến thành công. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt cao so với dự toán.

Dự báo tình hình thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn kiên định điều hành chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt. Đồng thời, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, triển vọng phát triển của Việt Nam là tích cực trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, có thể sẽ có những thách thức về chính sách kinh tế, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tình hình toàn cầu bất ổn. Cơ sở vững chắc cho sự lạc quan kinh tế những năm tới, cần bao gồm những cam kết rõ ràng về thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, kinh tế thị trường và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế, cùng với tình hình tài chính công lành mạnh và các chính sách tiền tệ thận trọng.

Chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng, cần tiếp tục lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên chính sách tài khóa linh hoạt. Tình hình kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

“Trong điều kiện vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, tỷ lệ nợ công đang ở mức khả quan, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách tài khóa làm vai trò trụ cột để thực hiện "mục tiêu kép"- vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lựa chọn hợp lý do chính sách tài khóa thường ít gây áp lực cho lạm phát hơn và có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ” - TS. Doãn Hữu Tuệ gợi ý.

Về cơ bản, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; từng bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa để đảm bảo sự bền vững của NSNN.

Năm 2024 dự báo vẫn là một năm nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Những yếu tố rủi ro bên ngoài sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, với nền tảng vĩ mô vững chắc, với sự ổn định chính trị, tin tưởng rằng, với những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị trí là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.