Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục thuế khu vực Tam Điệp - Yên Mô

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục thuế khu vực Tam Điệp - Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Mạnh Huy

* PV: Thưa ông, năm 2019, Ninh Bình là một trong số ít địa phương đã đưa tỷ lệ nợ thuế về dưới 5% tổng thu ngân sách, như yêu cầu đặt ra của Tổng cục Thuế. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý nợ thuế của Cục Thuế Ninh Bình?

- Ông Hà Văn Hiếu: Tính đến 31/12/2019, tổng số nợ thuế (không bao gồm các khoản nợ đang khiếu nại, nợ đang xử lý) tại Cục Thuế tỉnh Ninh Bình là 575 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng số thu ngân sách 2019. Trong đó, nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 291 tỷ đồng; nợ khó thu 277 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, Cục Thuế Ninh Bình đã thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế như: giao chỉ tiêu thu nợ ngay từ đầu năm và xây dựng kế hoạch thực hiện hàng tháng, hàng quý; thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế đề nghị các đơn vị đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế; công khai thông tin nợ thuế theo quy định.

Ông Hà Văn Hiếu
Ông Hà Văn Hiếu

Ngoài ra, đơn vị đã phân công trách nhiệm cán bộ làm việc với doanh nghiệp (DN) nợ thuế đến ngưỡng nợ. Trong các tháng cuối năm, cơ quan thuế đã mời 370 DN có nợ thuế đến làm việc tại cơ quan thuế; qua đó đã thu, xử lý trên 162 tỷ đồng thuế nợ.

Cùng với đó, cục thuế đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, các chủ đầu tư để thu nợ qua khâu giải ngân thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, với tổng thu là 21 tỷ đồng. Cục thuế đã thành lập 2 đoàn công tác tại 2 chi cục thuế có số thuế nợ lớn và nợ tăng để đôn đốc thu nợ, xử lý nợ, qua đó chấn chỉnh các tồn tại nhằm giảm nợ đọng thuế.

* PV: Thưa ông, trong quá trình thu hồi, xử lý nợ thuế, Cục Thuế Ninh Bình gặp phải những khó khăn gì?

- Ông Hà Văn Hiếu: Về cơ chế chính sách, theo quy định, số tiền chậm nộp của nhóm nợ khó thu vẫn tính 0,03%/ngày, do vậy số nợ này ngày càng tăng cao. Hiện đã có Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng đến 1/7/2020 mới có hiệu lực để xử lý về số nợ này.

Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất, theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, hiện nay một số DN trên địa bàn tỉnh không mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng hoặc có mở tài khoản nhưng không để số dư hoặc không đăng ký với cơ quan thuế số hiệu tài khoản theo quy định. Một số DN mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, khi thực hiện được biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại KBNN, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác tài sản của DN hầu như đã thế chấp của ngân hàng; đồng thời biện pháp kê biên tài sản chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Tính đến hết tháng 1/2020, tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 645 tỷ đồng. Đến nay, Cục Thuế Ninh Bình đã thu hồi được 70 tỷ đồng.

Về phía DN, nhiều DN bị ảnh hưởng tình hình chung của nền kinh tế, khó khăn về tài chính dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nguồn tài chính hạn hẹp. Một số DN chỉ nộp được số tiền thuế nợ còn lại tiền chậm nộp chưa nộp tiếp được.

Một số DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chi phí đầu vào lớn, sản phẩm sản xuất ra chưa tiêu thụ được nhiều nhưng vẫn phải vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất dẫn đến thua lỗ, không có tiền để nộp NSNN...

* PV: Đối với những trường hợp chây ỳ, cố tình không nộp, cơ quan thuế có những biện pháp như thế nào?

- Ông Hà Văn Hiếu: Trước thời điểm đến hạn cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế tích cực đôn đốc người nộp thuế (điện thoại, gửi mail, thông báo nộp thuế, mời làm việc) về số thuế nợ để nắm bắt chính xác, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc về nợ thuế. Đồng thời, cơ quan thuế kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế đối với các trường hợp đủ điều kiện không tính tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ…

Ngoài các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế (như trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng;…), Cục Thuế Ninh Bình sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan khấu trừ nợ thuế qua giải ngân thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đề nghị nộp đủ tiền thuế nợ khi chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất; đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản hoặc thu hồi đất đối với đơn vị nợ tiền thuê đất…

* PV: Từ nay đến cuối năm, Cục Thuế Ninh Bình sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì để chống thất thu ngân sách, thưa ông?

- Ông Hà Văn Hiếu: Cục Thuế Ninh Bình sẽ triển khai đồng bộ, linh hoạt và có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, KBNN, ngân hàng để thu nợ thuế qua giải ngân thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Chỉ thị 04 của Bộ Tài chính và Chỉ thị số 21/CT-UBND tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, cục thuế sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, đề án “Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” và một số đề án khác nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quản lý triệt để nguồn thu phát sinh, chống thất thu NSNN, đặc biệt là đối với nguồn thu từ nhà hàng, khách sạn, xây dựng cơ bản, xăng dầu, dược phẩm, khai thác khoáng sản, thu phí danh lam…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)