Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: LV
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Eurocham tổ chức hội thảo “Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế quốc gia”.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng được 9 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 do WB công bố hồi tháng 10/2016 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với chỉ số thuận lợi kinh doanh 2016.
Theo bà Thảo, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã được cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu so với ASEAN4 và ASEAN6 thì Việt Nam vẫn cần phải cải thiện hơn nữa.
Tại hội thảo, cộng đồng DN EU đã bày tỏ nhiều kỳ vọng và kiến nghị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm tới. Hội thảo cũng tiếp cận các khuyến nghị mới từ thành viên Eurocham đề cập trong Sách trắng 2017 sắp được công bố, bao gồm một khuôn khổ tốt hơn để đầu tư tái tạo năng lượng, đổi mới dược phẩm, xúc tiến đào tạo nghề, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến chuyển giá.
Theo ông Bradley Silcox- Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm thuộc EuroCham, tận dụng những lợi thế khi triển khai Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm phát minh trong khu vực ASEAN. Việc gia tăng tính thực thi của các điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ tới Việt Nam.
Kiến nghị về những quy định của pháp luật về cấp phép kinh doanh, ông Antoine Logeay- Phó chủ tịch Tiểu ban Pháp luật cho rằng, điều quan trọng đối với hoạt động kinh doanh là tất cả các tỉnh có cùng giải thích giống nhau về các quy định của pháp luật và một số tỉnh không áp đặt các yêu cầu bổ sung và ngoài dự tính.
Bà Đỗ Thu Thủy- Tiểu ban Vận tải – Hậu cần cho biết, khó khăn của các DN EU hiện nay khi triển khai cổng thông tin một cửa quốc gia là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu chưa được thực hiện thông qua một cửa quốc gia, dẫn đến mất thời gian và tạo nhiều khó khăn cho DN. Vì vậy, cần thiết lập thông tin hai chiều giữa người dùng và Ủy ban chỉ đạo một cửa quốc gia…/.
Vũ Luyện