Dự báo khởi sắc, sản lượng và giá tăng đáng kể

Tính đến thời điểm này, chỉ còn gần một tháng nữa là đến mùa thu hoạch vải thiều. Theo dự báo của các địa phương, mùa vải năm nay sản lượng có thể tăng và giá vải xuất khẩu tăng đáng kể so với mọi năm.

Tại vùng vải Thanh Hà, Hải Dương, tới đầu tháng 6, vụ vải sớm sẽ cho thu quả. Còn tại Bắc Giang sẽ đón một vụ vải muộn, chậm hơn 2 tuần so với hàng năm. Chính vụ vải thiều Lục Ngạn sẽ vào cuối tháng 6.

Tại Bắc Giang - thủ phủ vải thiều, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, diện tích vải thiều năm 2023 của toàn tỉnh là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; sản lượng ước đạt từ 180.000 - 200.000 tấn.

Trong đó, vải thiều chín sớm là 7.700 ha, dự kiến 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn. Việc sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được duy trì và mở rộng, với tổng diện tích là 15.682 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn.

Xuất khẩu vải tìm kiếm thị trường mới, không để phụ thuộc vào Trung Quốc
Xuất khẩu vải năm 2023 được dự báo khởi sắc so với năm trước. Ảnh: TL

Bắc Giang dự kiến năm nay sẽ xuất khẩu 96.000 tấn vải, chiếm 53% sản lượng, tăng 15% so với năm trước. Đến nay, đã có 120 thương nhân Trung Quốc đăng ký vào địa bàn tỉnh để chuẩn bị thu mua vải thiều.

Cũng theo thống kê, hiện Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang đã ký kết 34 biên bản thỏa thuận hợp tác đối với các chợ đầu mối nông sản, sàn giao dịch thương mại điện tử, các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp để tiêu thụ khoảng 110.000 tấn vải.

Bên cạnh đó, Hải Dương dự kiến sản lượng vải của tỉnh là 40.000 tấn, trong đó vải thu hoạch sớm là 25.000 tấn, 15.000 tấn là vải chính vụ. Toàn bộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vùng trồng là điều địa phương này chú trọng để xuất khẩu khoảng 4.000 - 5.000 tấn trong năm nay.

Cơ hội vải đến với nhiều thị trường mới

Thông tin tổng quan từ Bộ Công thương cho hay, hiện nhiều đối tác nhập khẩu từ các thị trường lớn trên thế giới đang ráo riết đàm phán và xúc tiến các đơn hàng, hợp đồng nhập khẩu.

Đơn cử, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công thương Bắc Giang) cho biết, sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, đến nay, 201 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua vải thiều. Theo dự kiến, cuối tháng 5, các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 223 mã số vùng trồng vải, với diện tích 17.724 ha. Sản lượng ước đạt 115.000 tấn. Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang duy trì 300 cơ sở đóng gói vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu.

Đáng chú ý, ngoài một số thị trường truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm tới hơn 90% thị phần), trái vải Việt đang rộng cửa đến với nhiều thị trường mới để vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, vừa giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác.

Qua khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương cho rằng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều là vô cùng cấp thiết, không chỉ giúp ngành này giảm bớt những rủi ro khi phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc mà hơn thế còn giúp gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của các địa phương.

Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhiều năm qua, vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước EU, Mỹ , Úc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông,…"Năm nay, chúng ta một mặt tiếp tục giữ vững những thị trường xuất khẩu truyền thống, một mặt liên tục đa dạng thị trường để giảm thiểu nguy cơ phụ thuộc và tăng giá trị xuất khẩu. Trước mắt sẽ thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, năm nay các doanh nghiệp đang xúc tiến mạnh mẽ để xuất khẩu sang Anh, Pháp" - ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ thêm.

Xuất khẩu vải tìm kiếm thị trường mới, không để phụ thuộc vào Trung Quốc
Cần chú trọng khâu đóng gói để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL

Một số chuyên gia cho rằng, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng, xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với doanh nghiệp và chú trọng vào xuất khẩu vải thiều đóng gói, chế biến có giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp nên phát triển thêm các sản phẩm đóng hộp, hướng tới tạo nên hệ thống đồng bộ, đưa ra sự lựa chọn đa dạng hơn cho sản phẩm vải thiều. Ngoài ra, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác xúc tiến thương mại, ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến../.