Bài 1: Quốc hội trao “Thượng phương bảo kiếm” để Chính phủ vượt khó
Bài 2: Chính sách tài khóa linh hoạt, tạo sức bật cho nền kinh tế
Bài 3: Phục hồi kinh tế, củng cố niềm tin
Bài 4: Chính sách tài khóa tiếp tục là điểm tựa để kinh tế bứt phá

Những quyết sách chưa có trong tiền lệ với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo nên những dấu ấn về sự đồng hành chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ. Đánh giá của các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đã minh chứng cho điều đó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Điều hành chính sách tài khóa trách nhiệm, vì dân

Nhiệm kỳ 2021 - 2026 là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Nối dài các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho kinh tế đất nước phục hồi, đi lên
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế, đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất liên tục trong 3 năm (2020 - 2023).

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên là những chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là động lực của phát triển kinh tế, nên nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh. Vì vậy, các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Về lâu dài, bên cạnh việc tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo chi NSNN tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời, cải thiện tích cực chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình mới. Thực hiện chính sách tài khóa thời gian tới, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách.

Mục tiêu của ngành Tài chính là đảm bảo chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội:

Bản lĩnh của Quốc hội và sự nhanh nhạy của Chính phủ

Nối dài các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho kinh tế đất nước phục hồi, đi lên
Ông Trần Văn Lâm

Trong những thời khắc khó khăn, Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh bằng việc chủ động định hướng, phối hợp cùng với Chính phủ xây dựng, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để dẫn dắt, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước một cách hiệu quả, kịp thời. Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành đã thể hiện rõ định hướng đó.

Cụ thể hóa chủ trương, quyết sách của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai thực hiện rất quyết liệt, tích cực, chủ động và có sự sáng tạo nên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Về phía cơ quan thực thi chính sách, Bộ Tài chính có vai trò rất quan trọng, nhất là trong những thời điểm khó khăn đã bố trí các nhiệm vụ chi phù hợp, không vượt quá khả năng thu cũng như không đẩy bội chi ngân sách lên, đảm bảo an toàn nợ công. Tôi cho rằng, đó là những thành công lớn.

Bối cảnh năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn tác động tới nền kinh tế, đời sống của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các giải pháp phát huy hiệu quả các chính sách từ Chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo điều hành chính sách tài khóa một cách hiệu quả, hợp lý.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%... Đây là những giải pháp rất cần thiết, là nguồn lực đáng kể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

* TS.Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Nối dài các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho kinh tế đất nước phục hồi, đi lên
TS.Vũ Tiến Lộc

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã mở ra một giai đoạn đồng hành, sát cánh rất chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội không chỉ chờ Chính phủ đưa ra những sáng kiến, trình lên những dự án, hay kế hoạch theo chương trình, mà Quốc hội còn chủ động đưa ra những sáng kiến về lập pháp hay về phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 43/2022/QH15 chính là một sáng kiến theo hướng đó để Chính phủ chủ động đưa ra các biện pháp tạm thời trong bối cảnh rất đặc biệt, mở đường cho các hoạt động của Chính phủ. Thành quả của Việt Nam trong năm 2022 có một dấu ấn rất quan trọng của Nghị quyết 43 của Quốc hội. Chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong bối cảnh khó khăn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đảm bảo; về căn bản dịch bệnh đã được kiềm chế và tiếp tục có những biện pháp để hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay cho thấy những thách thức, khó khăn được dự đoán nay đã hiển hiện. Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cấp bách nhất là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - một giải pháp kinh điển rất hiệu quả để giải cứu và kích hoạt nền kinh tế trong những lúc khó khăn.

Bên cạnh đó, muốn kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát, Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thông qua các gói hỗ trợ về tài khóa, về vốn và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp.

* GS.TS. Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Chương trình phục hồi kinh tế là động lực hỗ trợ tăng trưởng

Nối dài các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho kinh tế đất nước phục hồi, đi lên
GS.TS. Tô Trung Thành

Sau giai đoạn tăng trưởng vượt trội năm 2022, đà phục hồi của kinh tế Việt Nam chững lại trong năm 2023 trước các yếu tố bất lợi của tình hình kinh tế thế giới cũng như các điểm nghẽn về nền tảng tăng trưởng trong nước. Trong bối cảnh đó, việc quyết tâm triển khai mạnh mẽ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực quan trọng góp phần hỗ trợ tăng trưởng đạt kế hoạch đề ra.

Thời gian qua, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ còn chậm, chưa phát huy được hết hiệu quả, chủ yếu do quy trình, thủ tục chưa hợp lý, các tiêu chí không khả thi, không thực tế. Đầu tư công giải ngân chậm, dù đã liên tục được đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt.

Để thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình này trong thời gian còn lại của năm, trước hết tôi cho rằng cần khẩn trương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là những dự án quan trọng, có tác động lan tỏa lớn, bởi tăng trưởng kinh tế của chúng ta lâu nay vẫn dựa nhiều vào đầu tư công. Những vướng mắc trong giải ngân thời gian qua thì đều là những vấn đề đã được nhận diện, giải pháp đã được nêu rất nhiều, quan trọng lúc này là tổ chức thực hiện nghiêm, có kiểm tra, giám sát và gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, có thể cân nhắc chuyển nguồn lực sang cách thức hỗ trợ khác, bởi cách thức này ít hiệu quả từ cả phía cung và cầu. Về phía cung, gói hỗ trợ gây áp lực cho các ngân hàng khi thực hiện. Về phía cầu, các doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ khi các quy định phức tạp, quy trình ít khả thi.

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ ở việc sử dụng các chính sách tài khoá - tiền tệ, mà còn phải cải cách thể chế, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp./.