Bài 1: Quốc hội trao “Thượng phương bảo kiếm” để Chính phủ vượt khó

Quốc hội, Chính phủ cùng người dân đi qua khó khăn

Ngay sau khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã có một loạt các quyết sách được ban hành ngay khi đó. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, đưa ra 5 lĩnh vực chính cần thực hiện: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó triển khai miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Giá trị của gói chính sách tài khóa là khoảng 291 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí, tiền thu đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng (với giá trị hỗ trợ tương đương 6 nghìn tỷ đồng).

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay lập tức, Bộ Tài chính đã có văn bản phân công, phân nhiệm đến các đơn vị trong bộ tổ chức thực hiện 18 nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được giao chủ trì và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Theo đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN...

Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, giúp DN, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.

“Tiền làm ra thì khó mà phải chi thật nhiều”

Trong bối cảnh giữa lúc bộn bề dịch bệnh, tại một phiên thảo luận của Quốc hội ở thời điểm đó, có đại biểu Quốc hội đã không khỏi cảm thán: “Nước ta đang trong giai đoạn tiền làm ra thì khó mà chi phải thật nhiều!”. Câu nói hết sức dân dã nhưng chứa đựng sự sẻ chia của đại biểu Quốc hội với Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

Đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt và khôn khéo trong điều hành chính sách tài khóa, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Bao nhiêu DN, các hộ kinh doanh phải đóng cửa do dịch bệnh, không có thu nhập, không phát sinh tiền đóng thuế cho Nhà nước. Ngân sách lại phải chi rất nhiều khoản cần kíp phát sinh, trong khi các khoản chi trong dự toán của cả năm vẫn phải đảm bảo.

Gói hỗ trợ lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội. Nghị quyết đã mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương.

Câu hỏi đặt ra, tiền đâu để chi? Do cơ cấu lại một bước ngân sách nhà nước (NSNN), thời gian qua, chúng ta cũng đã chủ động có nguồn để lo phòng, chống dịch Covid-19. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, trong điều hành chính sách tài khóa, Chính phủ và Bộ Tài chính đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, không nóng vội, với năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến", linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt hành động. Liên tục trong 3 năm dịch bệnh ảnh hưởng, nhưng ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thu ngân sách luôn vượt dự toán được giao, có nguồn chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và nhiệm vụ chi trong dự toán.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới đánh giá, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vượt qua khó khăn. Theo bà Dorsati Madani: “Do đại dịch, nhiều quốc gia phải chi tiêu rất nhiều tiền, khiến bội chi tăng. Cách thức Việt Nam ứng phó rất khác, nợ của Việt Nam không tăng mạnh, bội chi tăng một chút nhưng điều chúng tôi ghi nhận là: năm 2020 và năm 2021, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng. Việt Nam đã rất thành công điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng đáng kinh ngạc trong bối cảnh dịch bệnh”.

Dịch Covid-19 đã “ngốn” một số lượng rất lớn tiền từ ngân sách. Chính vì xác định cần số lượng kinh phí lớn cho phòng chống dịch, cũng như đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ chi trong dự toán, Bộ Tài chính luôn chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành dự toán NSNN được giao. Năm 2023, ngành Tài chính tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mà theo nhận định của các chuyên gia, đó là “chính sách tài khóa khôn khéo” để đạt đa mục tiêu.

Bản lĩnh trong khó khăn

Trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ quyết định “chỉ vay trong khả năng trả nợ và chi trong khả năng của nền kinh tế”. Có nghĩa sẽ tiếp tục căn cơ hơn nữa trong cân đối thu - chi ngân sách.

Muốn có tiền chi tiêu thì phải đảm bảo các nguồn thu trong dự toán. Trong rất nhiều chỉ tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) thì việc phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN luôn được Bộ Tài chính coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, việc đảm bảo thu đạt và vượt dự toán trong những năm gần đây, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát là một thách thức lớn đối với ngành Tài chính.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh khó khăn. Cũng vì thế, các chính sách tài khóa thời gian qua đã tập trung vào các gói chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và DN.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Nỗi lo thu ngân sách bị sụt giảm chưa vơi thì lại phải giãn, giảm thuế, phí. Còn nhớ vào năm 2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát ảnh hưởng hết sức nặng nề và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đáng lo nhất là 23 địa phương thực hiện giãn cách trong một thời gian dài có số thu chiếm 70% tổng thu NSNN là một thách thức rất lớn đối với ngành Tài chính. Trong bối cảnh đó, bản lĩnh trong điều hành đã được khẳng định khi Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Dưới tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế của Việt Nam cũng như nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh hợp lý về chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Tin tưởng rằng, những chính sách tài khóa vì dân sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, là bệ đỡ hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, tạo đà cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn mới.