Việc mở rộng phân quyền giải quyết hoàn thuế sẽ giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế. Ảnh: Tuấn Văn |
PV: Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đây là một trong những nội dung đang được rất nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm, ông có thể cho biết doanh nghiệp quan tâm nhất đến điều gì? Ông kỳ vọng nhất điểm nghẽn nào sẽ được tháo gỡ khi dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này được thông qua?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo tôi, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc sửa các nội dung của Luật Quản lý thuế về thủ tục hành chính thuế. Đây là lĩnh vực mà thời gian vừa qua đã được làm rất tốt, với nhiều kết quả rất quan trọng, đặc biệt là ứng dụng thủ tục hành chính thuế điện tử và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Điều này đã góp phần giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn.
Mở rộng phân quyền để đẩy nhanh hoàn thuếTheo PGS.TS Lê Xuân Trường, với việc mở rộng phân quyền giải quyết hoàn thuế cho Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn và chi cục trưởng chi cục thuế khu vực và chi cục thuế cấp huyện chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế. |
Tuy vậy, so với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn rất cần cải cách mạnh hơn nữa về cơ sở pháp lý và tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Với những nội dung đề xuất cụ thể trong Dự án Luật mà Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua lần này, có hai điểm nghẽn mà tôi kỳ vọng sẽ được giải quyết, đó là: Thứ nhất, vấn đề xử lý hoàn thuế được nhanh chóng và thuận tiện hơn khi phân cấp thẩm quyền hoàn thuế hợp lý hơn; Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số để các thủ tục hành chính thuế điện tử phủ sóng rộng hơn, hiện đại hơn, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuế ngày càng nhanh chóng hơn.
PV: Như ông vừa trao đổi, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đề xuất sửa quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế. Theo đó, đề xuất bổ sung thêm đối tượng ra quyết định hoàn thuế là chi cục trưởng chi cục thuế, chi cục thuế khu vực và Cục Thuế doanh nghiệp lớn. Liệu việc tăng cường phân cấp, phân quyền này có giúp việc hoàn thuế được nhanh chóng hơn trước, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì thẩm quyền giải quyết hoàn thuế là cục trưởng cục thuế cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý doanh nghiệp thì các chi cục thuế khu vực và cấp huyện cũng trực tiếp quản lý và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế. Điều này dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian và thủ tục chuyển và xét duyệt hồ sơ từ cấp chi cục lên cấp cục. Thêm vào đó, số lượng người nộp thuế ngày càng lớn nên hồ sơ hoàn thuế ngày càng nhiều.
Việc dồn toàn bộ các hồ sơ giải quyết hoàn thuế lên cục thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết đúng thời hạn và nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế còn phải kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước nên trong thực tế một tỷ lệ nhất định hồ sơ hoàn thuế được giải quyết không kịp thời. Thêm vào đó, tại thời điểm ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong tổ chức bộ máy của cơ quan thuế mới có Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn. Khi đó, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn không trực tiếp quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục Thuế doanh nghiệp lớn được thành lập năm 2021 trên cơ sở Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn. Kể từ năm 2022, Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Mặc dù trực tiếp quản lý doanh nghiệp và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế nhưng Cục Thuế doanh nghiệp lớn không có thẩm quyền giải quyết hoàn thuế nên việc xử lý hồ sơ hoàn thuế bị chậm trễ.
Với những phân tích trên, với việc mở rộng phân quyền giải quyết hoàn thuế cho Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn và chi cục trưởng chi cục thuế khu vực và chi cục thuế cấp huyện chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
PV: Như ông vừa phân tích, thực hiện phân cấp, phân quyền chắc chắn sẽ phát sinh các thách thức, theo ông ngành Thuế cần làm gì để tránh những rủi ro phát sinh?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Thách thức ở đây chỉ là vấn đề đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm đi đôi với nhau. Tăng quyền hạn thì trách nhiệm nặng nề hơn, mà là trách nhiệm kép: Trách nhiệm đảm bảo quản lý, giám sát thực thi đúng các luật thuế và Luật Quản lý thuế để phòng ngừa gian lận hoàn thuế và trách nhiệm trước xã hội về giải quyết thuận tiện, nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.
Để giải quyết thách thức này cần sửa đổi, hoàn thiện quy trình giải quyết hoàn thuế để mọi khâu công việc rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ ngành để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc và giải quyết sớm những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quyết định pháp luật mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
1 luật sửa 7 luật giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơnTheo PGS.TS Lê Xuân Trường, dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia và Luật Quản lý thuế, các luật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chính sách tài khóa, quản lý tài chính công và quản lý thị trường tài chính. Đây đều là những lĩnh vực then chốt của quản lý nhà nước về kinh tế. Trong thời gian vừa qua, cùng với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, nên một số quy định trong các luật trên không còn phù hợp với thực tiễn, một số vướng mắc phát sinh không thể giải quyết bằng quy định pháp luật hiện hành. Tuy vậy, các vấn đề đó chưa cần một sự thay đổi toàn diện và cơ bản nên chưa cần thiết ban hành các luật sửa đổi để thay thế cho các luật hiện hành. Việc ban hành 1 dự án luật sửa đổi 7 luật trong lĩnh vực tài chính giúp quá trình ban hành được nhanh chóng, sớm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với những nội dung sửa đổi của các luật trong lĩnh vực tài chính nói trên, giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho thị trường tài chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; khơi thông nguồn lực tài chính; quản lý chặt chẽ tài sản công, đảm bảo sử dụng tài sản công hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát tài sản công và ngân sách nhà nước, huy động có hiệu quả, hợp lý nguồn tài chính vào ngân sách nhà nước phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./. |