PV: Thời gian gần đây, kinh tế xanh là cụm từ được nhắc nhiều trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Ông nghĩ thế nào về triển vọng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam?

Phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam: Cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế đang rất rộng mở
Ông Đào Xuân Lai

Ông Đào Xuân Lai: Kinh tế xanh là cụm từ được nhắc nhiều gần đây khi mà cả thế giới, cũng như Việt Nam đang chuyển đổi để phục hồi, hướng tới phục hồi xanh hậu Covid-19, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như quá trình “tăng trưởng nâu” phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch trước đó. Vì vậy, đây là một xu hướng quốc tế tất yếu và rõ ràng nó tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam để có thể thúc đẩy tăng trưởng, giúp quốc gia vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp.

Vì là xu hướng toàn cầu, nên thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội tạo ra những thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, do có cơ hội về những thị trường mới, nên Việt Nam có thể có quyền chủ động các vấn đề công nghệ mới để đón các xu hướng. Ví dụ điển hình nhất ở Việt Nam là Vinfast đã tận dụng những xu hướng, cũng như cơ hội để chuyển dịch sang sản xuất ô tô hay xe máy điện.

Bên cạnh đó, điều này cũng giúp Việt Nam có thể huy động những nguồn lực mới đầu tư của tư nhân, hay đầu tư quốc tế vì Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư rất quan trọng và hấp dẫn. Đây cũng là những cơ hội mà Việt Nam có thể nắm bắt, huy động nguồn lực quốc tế cho phát triển kinh tế xanh.

Công nhân chuẩn bị lắp đặt cánh điện gió lên tua bin tại dự án Liên Lập, ở xã Tân Lập (Quảng Trị).
Công nhân chuẩn bị lắp đặt cánh điện gió lên tua bin tại dự án Liên Lập, ở xã Tân Lập (Quảng Trị).

PV: Việt Nam hiện vẫn là quốc gia đang cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. Ông nhìn nhận thế nào về những thách thức với phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam? Liệu rằng những kỳ vọng về kinh tế xanh có vượt qua được những thách thức này không, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Đúng là có những thách thức lớn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Phát triển kinh tế xanh đòi hòi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi Việt Nam chưa phải là nước có GDP dồi dào, dù đạt khoảng 360 tỷ USD/năm nhưng đó không phải là quá lớn để đầu tư cho tất cả những lĩnh vực chuyển đổi một cách mạnh mẽ ngay lập tức. Bên cạnh đó, chúng ta còn đang dành nguồn lực cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như dành ưu tiên và nguồn lực cho những chi tiêu khác, nên đây sẽ là hạn chế, khó khăn cho Việt Nam. Mặt khác, khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình, thì việc vay vốn ODA ưu đãi của Việt Nam cũng không còn “rộng đường” như thời gian trước kia nữa.

Một khó khăn tiếp nữa là vấn đề công nghệ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được tất cả những công nghệ về thân thiện với môi trường hay công nghệ xanh, ví dụ như trong sản xuất điện gió, điện mặt trời… Đây cũng là một thách thức với phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 10 năm (2011 - 2020) và bây giờ là giai đoạn phát triển 10 năm tiếp theo (2021 - 2030). Vừa qua, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi các bên, cũng như cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và nhận được sự ủng hộ cao của quốc tế. Tôi hy vọng với những cam kết và quyết tâm thực hiện từ Chính phủ, cùng những nguồn lực sẵn có trong nước và sự ủng hộ của người dân và quốc tế, kỳ vọng về phát triển kinh tế xanh có thể vượt qua được những thách thức nêu trên.

Xem xét áp dụng những sáng kiến về tài chính

Theo ông Đào Xuân Lai, ngoài tiếp cận nguồn vốn quốc tế, hiện nay thế giới đã có những sáng kiến về tài chính như tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Việt Nam nên xem xét áp dụng những sáng kiến trên để có thể huy động từ chính người dân trong nước tham gia vào những dự án, cũng như những sáng kiến phục vụ cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

PV: Thực hiện những cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Theo ông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi quốc tế trong lĩnh vực này với Việt Nam liệu có rộng mở?

Ông Đào Xuân Lai: Những cam kết của Việt Nam tại COP26 là mối quan tâm rất lớn với các thể chế toàn cầu, bởi Việt Nam hiện nay dù đóng góp cho phát thải không nhiều, nhưng là một trong những nước có kinh tế tăng trưởng rất mạnh nên tốc độ tăng phát thải cũng rất nhanh. Vì vậy, quốc tế rất quan tâm đến nỗ lực của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng và thể hiện qua các chuyến thăm Việt Nam suốt từ đầu năm đến nay, trong đó có EU, Anh, Mỹ, Liên hợp quốc. Hiện các nước đã cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong vấn đề này. Tất nhiên, các giải pháp cụ thể còn đang được xem xét và đàm phán nhưng tôi rất tin tưởng rằng, cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được với những khoản tài chính quốc tế là tương đối lớn, có thể cả vốn không hoàn lại, cũng như vốn vay so với những nước ít cam kết hơn.

Việt Nam hiện đã là nước thu nhập trung bình, cho nên những khoản vay sẽ phải chịu lãi gần với lãi suất vay thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự đàm phán giữa các bên, hy vọng Việt Nam sẽ có được những khoản vay ưu đãi hơn, đặc biệt là ưu đãi lãi suất thấp như trước năm 2017 Việt Nam đã vay. Chúng tôi cũng rất hy vọng các nước phát triển sẽ có những cam kết chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể tiếp cận với khoa học công nghệ hơn, với chi phí phù hợp hơn khi chuyển dịch sang nền kinh tế xanh.

Ngoài ra, một nguồn vốn cũng hết sức quan trọng đó là từ các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia đã cam kết ở COP26. Các quỹ này cũng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam với chi phí thấp nhất có thể cũng như vừa đầu tư cho công nghệ xanh, phát triển sản phẩm xanh, ví dụ như vấn đề phát triển điện gió, điện mặt trời hay đảm bảo cung cấp các chuỗi giá trị xanh ở Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý (ICHAM) tại Việt Nam:

Cơ hội hút vốn FDI của Ý về Việt Nam

Cộng đồng doanh nghiệp đã cảm nhận được sức nóng của quyết tâm chính trị về những cam kết của Việt Nam, nhưng vẫn rất cần một khung pháp lý hoàn chỉnh, mang tính bao quát và đủ cụ thể để đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kinh tế xanh.

Cùng với những quyết tâm mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các bộ, ban ngành và địa phương trong việc hướng tới kinh tế xanh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rõ rệt trong thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt là các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động tới môi trường từ các quốc gia phát triển.

Ý là một trong những quốc gia đi đầu châu Âu trong hướng tới nền kinh tế xanh thông qua việc triển khai mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn và có một cộng đồng doanh nghiệp có nền tảng tốt về mặt công nghệ xanh, thực hành xanh trong sản xuất kinh doanh.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn với công nghệ hàng đầu của Ý đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, mà cả các doanh nghiệp nhỏ với công nghệ phù hợp với quy mô của của phần lớn doanh nghiệp và thị trường Việt Nam cũng đang đánh giá các cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong thời gian qua, ICHAM đã tiến hành nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng của kinh tế xanh của Việt Nam tại Ý nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tiềm năng từ Ý đến Việt Nam.