Bảo vệ, khuyến khích những người làm ăn chân chính, hiệu quả

​Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm đánh giá thực trạng thị trường BĐS, khẳng định và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, nêu rõ, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, những vấn đề nổi lên; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế từ đó đề xuất giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ… đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan, để đảm bảo thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000, đất nền khoảng 200.000 giao dịch.
6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000, đất nền khoảng 200.000 giao dịch.

"Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị diễn ra khi thị trường BĐS có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn không ít rủi ro. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra nhiều quan điểm mới, có ý nghĩa chiến lược.

"Trước hết, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, thì mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở. Có người đến ở thì mới có người mua nhà. Như vậy thì phát triển BĐS mới bền vững" - đây là quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh.

Nguồn cung nhà ở thương mại chưa được cải thiện

Tại hội nghị, trình bày báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến. Năm 2021 có 172 dự án hoàn thành với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021, cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.

Xây dựng khung pháp lý đồng bộ cho thị trường bất động sản

Để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp chính. Trong đó có việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… bảo đảm đồng bộ, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển.

Đồng thời, cơ quan quản lý theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp bình ổn, lành mạnh thị trường khi cần thiết; rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ; nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng, giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án, với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2. Tuy nhiên, các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu.

Về số lượng giao dịch BĐS, năm 2021 có khoảng 110.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tại các dự án (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu rõ, thị trường BĐS hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Hệ thống pháp luật liên quan còn nhiều bất cập. Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý. Cơ cấu sản phẩm BĐS còn bất hợp lý; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa đầy đủ…

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đề xuất, thảo luận để đưa thị trường BĐS trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, trong đó, đặc biệt là các giải pháp về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai… Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai kịp thời nghị quyết của Trung ương, tháo gỡ các khó khăn, xử lý các bất cập, vướng mắc, hạn chế của thị trường BĐS, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra trong những năm tới.

Kênh trái phiếu huy động hơn 500.000 tỷ đồng vốn cho doanh nghiệp bất động sản

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trình bày báo cáo tham luận về tình hình trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và những tác động của thị trường tài chính với thị trường BĐS.

Theo Thứ trưởng, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Hiện đã có trên 280 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để huy động vốn. Riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.

Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường TPDN ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành TPDN của nhóm BĐS từ năm 2019 đến nay khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp BĐS cũng đã huy động được gần 90 nghìn tỷ đồng TPDN.

Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá bên cạnh những doanh nghiệp niêm yết đầu ngành có tỷ lệ dư nợ TPDN trên vốn chủ sở hữu dưới 5%, còn một số doanh nghiệp là công ty chưa đại chúng, quy mô nhỏ nhưng có hệ số nợ vay cao. Một số doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao, trong khi kỳ hạn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 2 - 4 năm, đặt ra vấn đề về khả năng cân đối vốn trong thời gian tới nếu tình hình thị trường gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, công bố thông tin liên quan đến các dự án BĐS còn thiếu, nhất là về pháp lý. Do đó, các nhà đầu tư rất khó đánh giá về chất lượng của các dự án đầu tư mà doanh nghiệp nêu tại bản công bố thông tin bao gồm cả các dự án đã, đang triển khai và dự án dự kiến sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu. Mặc dù, hiện nay dư nợ TPDN BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại, nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Về phía Bộ Tài chính, khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành TPDN để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp luật và nghị định.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh, ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm và chuyển cơ quan điều tra đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng có tính chất hình sự.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình thị trường TPDN, cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành… Việc xử lý vi phạm trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu thời gian qua đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hướng đến phát triển thị trường minh bạch và bền vững.