Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả tích cực, những “nét son” mà Ngành đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngành không chủ quan, tập trung điều hành để đảm bảo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm bởi “GDP đạt kế hoạch thì mới đảm bảo tỷ lệ an toàn nợ công”.

Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, chặt chẽ

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã có rất nhiều nỗ lực, đạt những kết quả thực sự thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ của ngành, đóng góp xứng đáng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Trong rất nhiều điểm sáng của ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố điều hành chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính, nhất là nề nếp làm việc, được dư luận đánh giá cao. Các ý kiến Bộ Tài chính nêu ra đều buộc Chính phủ phải lắng nghe, suy nghĩ vì có luận cứ, có tính thuyết phục cao.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác điều hành thu chi ngân sách đảm bảo theo lộ trình, tiến độ. Công tác xây dựng thể chế cũng được Bộ Tài chính chú trọng, trong 6 tháng đã thông qua luật rất quan trọng là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ban hành đầy đủ, hoàn thành các cơ chế, thể chế tài chính cho các vùng động lực của cả nước…, và đặc biệt là tham mưu giúp Thủ tướng ban hành chương trình hành động Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Bộ Tài chính tham gia hoạt động trong các ban chỉ đạo rất tích cực, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là “nét son” trong công tác điều hành kiểm soát giá cả, có công trong chỉ đạo, điều hành bám sát, nhịp nhàng, kiểm soát lạm phát tốt.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng khen ngợi những nỗ lực của ngành trong đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai Nghị quyết 19 với tinh thần rất “chủ động, chỉn chu”. Bộ Tài chính là một trong những Bộ hoàn thành sớm các Đề án về tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Phát triển.... được Thủ tướng, Phó Thủ tướng đánh giá cao.

Địa phương thu không đạt phải giảm chi tương ứng

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số điểm yếu chung của cả nước trong đó có trách nhiệm của Bộ như là cổ phần hóa, thoái vốn, cải cách DNNN chậm, chưa đạt mục tiêu; giải ngân vốn đầu tư công rất chậm…

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo hoàn thành và vượt mức thu chi NSNN năm 2017. Về thu, cố gắng thu vượt 5 – 8% dự toán; chú trọng thu nội địa, mở rộng cơ sở thuế. Về chi, đảm bảo theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, chi đảm bảo theo dự toán. Nếu địa phương, bộ, ngành thu không đạt dự toán thì phải có giải pháp dự phòng bù đắp, hoặc giảm chi tương ứng. Đồng thời, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu, coi tiết kiệm chi là quốc sách; siết chặt quản lý chi tiêu công, đầu tư công, quản lý chặt chẽ nợ công, tài sản công… “GDP đạt kế hoạch thì mới đảm bảo tỷ lệ an toàn nợ công, đây là nhiệm vụ sống còn của Bộ Tài chính. Năm nay dư địa tốt hơn nhưng không được chủ quan”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phát biểu cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương để quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Báo cáo cụ thể hơn về một số vấn đề đã được nêu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong điều hành vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã nêu.

Nếu đầy đủ hồ sơ giải ngân vốn đầu tư chỉ trong 1 ngày

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, do tăng trưởng kinh tế chậm nên tiến độ thu NSNN 6 tháng đạt thấp, đặc biệt là thu ngân sách trung ương (mới đạt 41,5% dự toán). Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn.

Giải ngân vốn đầu tư XDCB còn chậm, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải, trước khâu giải ngân là một loạt công việc phải tiến hành theo trình tự gồm giao vốn, thực hiện các thủ tục đầu tư, phê duyệt... Tình trạng chậm triển khai giao vốn diễn ra đã lâu, tính đến thời điểm này mới giao được hơn 10% dự toán trong tổng số 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), do đó rất khó giải ngân hết từ nay đến cuối năm.

“Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp trong giải ngân. Chúng tôi cam kết có đủ hồ sơ hậu kiểm thì trong 1 ngày là giải ngân hết, không cần đến 3 - 5 ngày như Nghị quyết 60 đã nêu”, Bộ trưởng khẳng định. Tuy nhiên, để đẩy nhanh giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ nút thắt về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là sửa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng như Bộ Tài chính đã nhiều lần kiến nghị từ một năm nay, bởi lâu nay các vướng mắc chủ yếu là về thủ tục.

Trong khi đó, việc phân bổ, sử dụng vốn vay cũng còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp. Luật Đầu tư công dù được triển khai vẫn còn tình trạng dàn trải, nguyên tắc phân bổ là thu hồi vốn ứng trước, giải quyết nợ đọng, nhưng vẫn chưa xử lý được hết, bố trí vốn vẫn còn bất cập.

Khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN

Trong 6 tháng còn lại của năm 2017, dự báo tình hình kinh tế - xã hội có thể sẽ khá lên, song tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu khả năng còn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình tài chính ngân sách. Để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, trên tinh thần chỉ đạo, điều hành năm 2017 của Chính phủ là “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng đề nghị ngành Tài chính tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo số lượng, chất lượng, thời hạn; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Đồng thời, Ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tiễn, tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế theo các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

“Nghị quyết 19 năm 2017 được ban hành, sau 9 ngày Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt 47 nhiệm vụ, 175 thủ tục đầu ra, hàng tháng kiểm tra giám sát, có tiến độ, lộ trình, các nghị quyết khác cũng tiến hành tương tự”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Không giao vốn sớm, đề nghị cắt giảm nguồn vốn TPCP

Đối với điều hành ngân sách, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thuế, thu hồi tiền nợ đọng thuế; quyết tâm thu vượt dự toán Quốc hội quyết định, đảm bảo cân đối NSTW; kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chậm triển khai; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định, kể cả số tuyệt đối và số tương đối; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN.

Để đảm bảo nhiệm vụ này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất nếu nguồn vốn TPCP 50.000 tỷ đồng không được giao hết, đề nghị Chính phủ cắt giảm luôn, không để tình trạng giao muộn vào cuối năm và kéo dài sang năm sau.

“Năm nào không làm được thì cắt ngay, như vậy mới đảm bảo bội chi, nợ công trong điều kiện giá trị GDP khó có thể đảm bảo kế hoạch 5,1 triệu tỷ đồng. Nếu không, tỷ lệ bội chi sẽ cao lên. Chúng tôi rất cần sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này, không để dồn trách nhiệm vào Bộ Tài chính. Nếu không quản lý chặt bội chi, nợ công, để các tỷ lệ này đội lên thì không chỉ khó khăn trong điều hành tài chính ngân sách mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia với các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn đề nghị.

Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đảm bảo các giới hạn đặt ra, nhưng việc sử dụng hiệu quả vốn vay hay không phụ thuộc rất nhiều khâu, nhiều cơ quan, đơn vị. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN. Thực hiện đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất phát hành TPCP.

Hoàn thiện thể chế về tái cấu trúc DNNN

Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thu đủ 60.000 tỷ đồng tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại DN. Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược, casino, trò chơi có thưởng.

Trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm hoàn thiện thể chế, Bộ đã trình Chính phủ sửa Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo Quyết định 58 năm 2016 về tiêu chí phân loại, sắp xếp DNNN, trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp, giải trình đã được chuyển giao về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đang chậm trễ ở khâu này.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tập trung các nhiệm vụ: Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), giá dịch vụ công; tập trung hoàn thiện, ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN; quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ SNCL do Nhà nước quản lý.

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quản lý tốt giá cả, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, Nhà nước còn định giá, bình ổn giá.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển.

Triển khai quyết liệt, có chất lượng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2018 và kế hoạch tài chính 3 năm 2018 - 2020 theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của Ngành; kiểm tra nội bộ trong toàn ngành để đánh giá việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến quy trình, thủ tục, giải quyết hồ sơ hành chính đối với cá nhân, DN; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị.

H.Y