Giá dầu hạ nhiệt nhưng không lơ là các giải pháp kiểm soát lạm phát Linh hoạt chính sách tài khóa để đối phó với tăng giá và lạm phát Việt Nam tăng trưởng ổn định nhưng đối mặt lạm phát cao

Đã chuẩn bị những phương án xấu nhất

Theo ông Đặng Công Khôi, khó khăn trong quản lý, điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm đã đòi hỏi Cục Quản lý giá với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá phải theo sát tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý. Trên cơ sở đó, dự tính các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo để đưa ra những giải pháp kịp thời.

Ông Đặng Công Khôi cho biết, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất. Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Quản lý giá cả vẫn rất thận trọng, không lơ là chủ quan
Chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào là một trong những cách để kiểm soát lạm phát hiệu quả. Ảnh: TL.

“Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công”- ông Đặng Công Khôi khẳng định.

Theo đó, với diễn biến CPI của quý I vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Ông Đặng Công Khôi khẳng định, thực hiện tốt vai trò nhạc trưởng trong quản lý nhà nước về giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục chủ động cập nhật thông tin diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản điều hành giá hướng tới kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được giao. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thời gian tới, việc tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá cũng cần được đề cao hơn.

Ngoài ra, theo ông Đặng Công Khôi, để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, cần tăng cường quản lý thị trường đảm bảo nguồn cung xăng dầu là một trong những điều kiện tiên quyết để bình ổn thị trường.

Kiểm soát lạm phát dưới 4% “trong tầm tay”

Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí đầu vào cao đã khiến giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dư luận lo ngại hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy, giá xăng dầu hiện đang biến động theo cả chiều hướng tăng, giảm theo diễn biến giá thế giới. Trong 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng đã giảm nhẹ. Giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Được biết, Bộ Công thương đã vào cuộc, cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, bộ này đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính.

Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các cục quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ần nhiều yếu tố rất khó lường.

Để bình ổn thị trường, kiểm soát chặt lạm phát ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu trên thị trường thế giới và trong nước đề kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa- chuyên gia kinh tế, bên cạnh những yếu tố lo ngại do giá xăng dầu tác động lên lạm phát, thì lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.

Việc kiểm soát cung tiền cũng được triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy.

“Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”- TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định./.