PV: Mặc dù đã đạt được kết quả khá tích cực, song hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế trên nhiều khía cạnh. Theo ông, những thách thức đó là gì?

Quản lý thuế thương mại điện tử: Đàm phán đưa ra quy tắc chung là vấn đề then chốt
Ông Trần Trung Kiên

Ông Trần Trung Kiên: Như chúng ta đã biết, điểm đặc trưng cơ bản của TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Vì vậy, các thách thức cũng phát sinh từ chính bản chất kỹ thuật số của TMĐT.

Thứ nhất, chúng ta chưa có một văn bản pháp luật riêng quy định rõ các nghĩa vụ thuế đối với TMĐT. Việc chưa có quy định cụ thể đối với TMĐT như một ngành nghề tạo ra nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế các loại hình này. Chẳng hạn, việc cấp phép kinh doanh gặp nhiều bất cập bởi các hoạt động kinh doanh kỹ thuật số chưa có trong danh mục “các ngành nghề kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành cho phép kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Thứ hai, đối với mô hình TMĐT là các giao dịch được thực hiện trực tuyến, nên các công ty và cá nhân kinh doanh không cần có sự hiện diện hữu hình như trụ sở công ty, cửa hàng kinh doanh truyền thống. Trong nhiều trường hợp, máy chủ (server) còn đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này làm cho việc xác định giao dịch phát sinh trở nên rất phức tạp.

Thứ ba, trên phạm vi quốc tế, việc xác định nghĩa vụ thuế trong một số trường hợp kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia là rất khó khăn và phức tạp, bởi sự không hiện diện một cách hữu hình của các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia về mặt địa lý. Việc xác định quốc gia nào được quyền đánh thuế cũng còn nhiều tranh luận bởi nó chưa được quy định rõ trong các quy tắc thuế quốc tế. Các nguyên tắc đánh thuế hiện hành chủ yếu xem xét “sự hiện diện vật chất” thì “sự hiện diện bằng số” lại chưa được đề cập.

Thứ tư, vấn đề xác định việc thực hiện giao dịch thông qua các mô hình kinh doanh TMĐT ở Việt Nam càng khó khăn và phức tạp hơn khi phương thức thanh toán phổ biến ở nước ta vẫn là tiền mặt. Việc thanh toán bằng tiền mặt làm cơ quan thuế rất khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán hàng. Phương thức này cũng tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế, tránh thuế như không khai báo doanh thu, bán hàng không xuất hóa đơn.

Nguồn: Tổng cục Thuế.					                      Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

PV: Các nước trên thế giới quản lý thuế hoạt động kinh doanh này ra sao, thưa ông?

Ông Trần Trung Kiên: Những năm gần đây, TMĐT luôn là trọng tâm chính của các cuộc tranh luận về thuế tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đúc kết từ thực tiễn quản lý thuế tại một số quốc gia cho thấy, tháng 3/2019, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã ban hành tài liệu “Vai trò của người tạo lập nền tảng kỹ thuật số trong việc thu thuế giá trị gia tăng/thuế doanh thu đối với hoạt động kinh doanh qua mạng”. Theo đó, OECD khuyến nghị các nước yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm đầy đủ và duy nhất trong việc xác định số thuế phải nộp của các đơn hàng, thu hộ và nộp cho cơ quan thuế.

Điều này cũng được áp dụng thành công ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Úc đã triển khai và thu thuế qua các sàn TMĐT.

Về đăng ký thuế, cơ quan thuế ở các quốc gia OECD giải quyết hầu hết các đăng ký thuế của doanh nghiệp (DN) và cả cá nhân. Về các phương thức người nộp thuế (NNT) có thể thực hiện đăng ký thuế, hầu hết các quốc gia OECD đều cung cấp nhiều hơn một kênh để NNT sử dụng. Báo cáo của OECD cho thấy 80% các cá nhân đăng ký trực tuyến hoặc thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động.

Về xác thực chủ thể giao dịch và giao dịch phát sinh, việc xác thực dữ liệu NNT ở các quốc gia OECD qua môi trường kỹ thuật số tương đối hiệu quả với nhiều phương thức đa dạng. Phần lớn các quốc gia OECD đều ban hành các quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo người đang giao dịch thực sự là NNT. Để xác định vị trí của khách hàng, một số quốc gia quy định người bán phải thu thập thông tin về địa chỉ thanh toán, địa chỉ IP của thiết bị được sử dụng, chi tiết ngân hàng hoặc mã quốc gia theo số điện thoại. Một số quốc gia OECD hiện đang mở rộng hình thức xác thực nhiều bước, sử dụng thông tin sinh trắc học của NNT để nhận dạng, xác thực và bảo đảm tính bảo mật.

Về khai thuế và nộp thuế, các quốc gia OECD cung cấp phương thức nộp tờ khai và nộp thuế điện tử ở các cấp độ cao hướng đến sự thuận tiện và bảo mật cho NNT cũng như giảm chi phí cho cơ quan hành chính.

Về kiểm tra, thanh tra thuế và trao đổi thông tin NNT xuyên biên giới, báo cáo năm 2019 của OECD ghi nhận, mặc dù các hình thức kiểm tra thuế thực tế vẫn là hoạt động kiểm tra chính ở các quốc gia OECD, các mô hình đánh giá rủi ro hiện đại và chất lượng nguồn dữ liệu tốt đang cung cấp cho các cơ quan thuế những cách thức hiệu quả hơn trong việc thực hiện một số nghiệp vụ chuyên ngành. Theo đó, nguồn dữ liệu bên ngoài (trao đổi thông tin quốc tế) đóng vai trò quan trọng.

Mỹ áp dụng khấu trừ trên tổng thu nhập nếu kê khai không đúng nghĩa vụ thuế

Theo luật thuế của Mỹ, các nền tảng số như: Google, Facebook…, có trách nhiệm thu thập thông tin thuế của các đối tượng hoạt động trên nền tảng bất kể cá nhân hay tổ chức để thực hiện khấu trừ và báo cáo cho cơ quan thuế của nước này. Nếu như các cá nhân, tổ chức không thực hiện kê khai đúng nghĩa vụ sẽ bị khấu trừ trên tổng thu nhập trên toàn thế giới như với mức 24% mà Google áp dụng. Đây được xem là phương pháp khá hiệu quả trong việc thu thuế của các cá nhân có thu nhập từ các hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài.

PV: Từ các kinh nghiệm thực tế nêu trên, theo ông, ngành Thuế cần có giải pháp gì nhằm quản lý thuế hoạt động kinh doanh này hiệu quả?

Ông Trần Trung Kiên: Từ thực trạng và kinh nghiệm quốc tế đã nêu, chúng ta cần áp dụng kỹ thuật số vào công tác quản lý thuế và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đủ khả năng giám sát, kiểm soát và quản lý thuế hiệu quả đối với các mô hình kinh doanh TMĐT.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chính sách thuế, quản lý thuế một cách cụ thể và toàn diện đối với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Đồng thời, cơ quan quản lý tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa và tận dụng kỹ thuật số như kê khai, nộp thuế trực tuyến, cổng thông tin trực tuyến để các tổ chức, cá nhân (bao gồm các DN nước ngoài) thuận tiện trong việc tuân thủ pháp luật thuế.

Song song với đó, cũng phải chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên trách vừa có chuyên môn về thuế vừa có chuyên môn về CNTT, tiến đến thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý các loại hình này.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh đàm phán với các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm đề ra các quy tắc chung về quản lý thuế, xác định quyền đánh thuế đối với các giao dịch, thu nhập phát sinh từ các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.

PV: Xin cảm ơn ông!