Quảng Ninh: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà thu hút gần 400 triệu USD vốn FDI Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cảnh báo các đối tượng mạo danh cơ quan thuế Quảng Ninh: Thu giữ trên 5.000 sản phẩm thuốc lá điện tử

Khó khăn trong tìm nguồn vật liệu san lấp

Ước tính giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh Quảng Ninh cần tới 650 triệu m3 đất đá, trung bình mỗi năm cần 130 triệu m3. Một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2021-2023 của Quảng Ninh là thiếu nguồn vật liệu san lấp, nhất là đối với vật liệu gia cố nền móng.

Hiện hầu hết các dự án đầu tư công hay dự án ngoài ngân sách hiện nay đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp. Nhiều dự án, công trình đã phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công do thiếu nguồn vật liệu san lấp. Thực tế này đã gây ra rất nhiều hệ lụy trong quá trình thu hút đầu tư cũng như việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Thống kê của Sở Xây dựng, giai đoạn 2020-2025, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh cần khoảng hơn 130 triệu m³ đất đá thải phục vụ san lấp các dự án trọng điểm, như: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, các khu công nghiệp và một số dự án tại TP Hạ Long…

Dự án Khu tái định cư phục vụ dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) phường Yên Thọ đang chậm tiến độ do thiếu nguồn đất vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Ảnh Phạm Tăng
Dự án Khu tái định cư phục vụ dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) chậm tiến độ do thiếu nguồn đất vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Ảnh: PT

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp đến năm 2030 của Quảng Ninh vào khoảng 1,05 tỷ m3. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần khoảng 566 triệu m3; từ năm 2026 đến 2030 cần gần 490 triệu m3. Cùng với đó, nhu cầu cát san lấp đến năm 2030 cần khoảng 38,5 triệu m3. Tuy nhiên, đến năm 2030 toàn tỉnh Quảng Ninh mới có 79 mỏ đất đồi đã được phê duyệt tại quy hoạch tỉnh với tổng trữ lượng có thể khai thác trên 250 triệu m3. Trung bình mỗi năm, những mỏ này chỉ đáp ứng được 30 triệu m3, tương đương với khoảng 25% nhu cầu sử dụng toàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch mỏ đất, đá phục vụ san lấp

Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 4 loại vật liệu có thể khai thác, sử dụng cho san lấp mặt bằng các dự án, công trình, bao gồm: Đất đồi, đất đá thải mỏ, cát và tro xỉ nhiệt điện.

Mỗi năm, quá trình khai thác than tại Quảng Ninh thải ra khoảng 150 triệu m3 đất, đá. Hiện tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ tại các mỏ than trên toàn tỉnh lên tới hơn 1 tỷ m3. Để chứa số đất, đá thải khổng lồ này, ngành than cần tới tổng mặt bằng rộng hàng nghìn ha. Nhiều bãi thải hiện đã cao hàng trăm mét và tiếp tục cao thêm, gây áp lực về môi trường, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, cùng với phí duy trì, đảm bảo an toàn hàng năm rất lớn.

Chính vì vậy, việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm nguyên liệu san lấp phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp là hướng đi phát triển bền vững, hài hòa với môi trường.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3. Ảnh Tiến Dũng
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3. Ảnh: Tiến Dũng

Đối với các dự án khai thác mỏ đất, từ trước năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã cấp phép cho 55 dự án khai thác mỏ đất. Đến nay, cơ bản các mỏ khai thác đất này đã kết thúc hoặc dừng khai thác. Hiện tại, theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh được quy hoạch 79 mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp, với diện tích khai thác 1.087ha, tổng trữ lượng khoảng 250 triệu m3.

Theo quy hoạch, hiện có 24 mỏ đất đã và đang được các đơn vị liên quan làm các thủ tục cấp phép khai thác, 55 mỏ còn lại đang chuẩn bị triển khai các thủ tục. Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, với 79 mỏ đất được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là quá ít so với nhu cầu sử dụng, chỉ đáp ứng khoảng 25-30% tổng nhu cầu của tỉnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp, đề xuất các nguồn vật liệu có thể làm vật liệu san lấp mặt bằng. Từ công tác rà soát, tổng hợp, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép khai thác đối với 4 vị trí khai thác đất đá thải mỏ, với khối lượng 12,4 triệu m3; cát san lấp có 7 mỏ, tổng trữ lượng hơn 48 triệu m3; tro xỉ thải của 7 nhà máy nhiệt điện, với trữ lượng khoảng 35 triệu m3.

Để đảm bảo các mỏ đủ điều kiện khai thác và nguồn vật liệu san lấp được sử dụng đúng mục đích, địa chỉ, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ mỏ hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định hiện hành.

Tháng 3 vừa qua Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị trao đổi, thông tin về quy trình thực hiện sử dụng cát biển để làm nền đường. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng Quảng Ninh là địa phương có nhiều điều kiện để mở rộng thí điểm khi sở hữu hơn 250km đường bờ biển với hơn 6.000km2 mặt biển, lượng cát biển dồi dào. Những dự án khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp của tỉnh Quảng Ninh có nhiều yếu tố tương đồng có thể sử dụng cát đắp làm vật liệu thay thế khi vị trí thi công tại khu vực ngập mặn.

Trước nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng của các dự án, công trình, tại cuộc họp về rà soát, quản lý hoạt động khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư công của tỉnh căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, xác định nhu cầu đất san lấp, nhu cầu vật liệu gia cố nền móng công trình đối với các dự án đã phê duyệt trong kế hoạch, từ đó đề xuất nguồn cung cấp cho phù hợp, đúng luật, không để phát sinh những sai phạm, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, đầu cơ, trục lợi, ép giá.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành, UBND các địa phương liên quan đang tích cực giải quyết các thủ tục để trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét cấp phép cho 20 mỏ đất với trữ lượng khoảng 95 triệu m3, trong đó dự kiến sẽ có khoảng 10 mỏ sẽ hoàn thành các thủ tục để được cấp phép trong năm 2024. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang giải quyết 6 phương án thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, với tổng trữ lượng đất đá khoảng 35 triệu m3.

Ngoài ra, cùng với các mỏ được cấp phép, các đơn vị liên quan của Quảng Ninh sẽ nghiên cứu, phê duyệt, đưa vào hoạt động một số nhà máy sản xuất vật liệu gia cố nền móng từ nguồn vật liệu tại chỗ thuộc các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều để tăng nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình.