Bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi

Nghị định số 24/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2016 đã bước đầu tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu quản lý NQNN an toàn, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do đó, công tác quản lý NQNN thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước và gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý NQNN, quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ; đồng thời, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước sẽ được sửa đổi phù hợp với hiện đại hóa của kho bạc
NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh “tạm ứng”, “vay”. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nghị định số 24/2016/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; còn nhiều vướng mắc trong việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; việc mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ; biện pháp xử lý thiếu hụt NQNN bằng ngoại tệ; biện pháp phòng ngừa rủi ro...

Đặc biệt, về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN, Nghị định số 24/2916/NĐ-CP quy định, định kỳ trước ngày 20 tháng cuối quý hoặc trước ngày 20/12 năm trước, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính phương án điều hành NQNN quý, năm sau. Bộ Tài chính phê duyệt trước ngày 1 tháng đầu quý sau hoặc trước ngày 1/1 của năm sau. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, để xây dựng phương án điều hành quý/năm sau thì cần phải đánh giá lại tình hình thực hiện thu, chi NQNN quý/năm hiện hành, đặc biệt là tình hình thu, chi NSNN. Song trên thực tế, các khoản thu NSNN thường được nộp vào cuối tháng. Vì vậy, dẫn đến việc đánh giá tình hình thực hiện NQNN quý hiện hành chưa sát hoặc phải thực hiện chậm so với quy định.

Các khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương được gia hạn tối đa 12 tháng/lần

Các khoản tạm ứng NQNN của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn; các khoản vay NQNN của ngân sách trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng; các khoản vay NQNN của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng.

Do vậy, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2016/NĐ-CP sẽ giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý NQNN, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (thống nhất với Luật Quản lý nợ công; Luật Phí và lệ phí và các văn bản có liên quan khác); khắc phục một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Quản lý ngân quỹ nhà nước sẽ minh bạch và sát với thực tế hơn

Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý NQNN, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã đưa ra một số quy định cụ thể.

Quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước sẽ được sửa đổi phù hợp với hiện đại hóa của kho bạc
Công chức KBNN Quảng Bình đang thực hiện kiểm soát các giao dịch chi NSNN trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Ảnh: H.T

Theo đó, về nguyên tắc quản lý NQNN, để phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung nguyên tắc việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng đồng Việt Nam.

Đồng thời, để phù hợp với thực tiễn về tổng hợp, phân tích số liệu về thu, chi NSNN và đảm bảo tính khả thi về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN. Cụ thể: Đối với phương án điều hành NQNN quý, KBNN trình Bộ Tài chính chậm nhất ngày 1 của tháng đầu quý, Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 của tháng đầu quý"; đối với phương án điều hành NQNN năm, KBNN trình Bộ Tài chính "chậm nhất ngày 1 tháng 1 của năm", Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 tháng 1 của năm".

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt; về tài khoản thanh toán tập trung; về việc mở tài khoản, trả lãi và thu phí dịch vụ thanh toán đối với các đối tượng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong hoạt động quản lý NQNN...

Về việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi, để phù hợp với quy định tại Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh theo hướng quy định NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh “tạm ứng”, “vay”.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung thêm quy định: Các khoản tạm ứng NQNN của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn; các khoản vay NQNN của ngân sách trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng; các khoản vay NQNN của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng. Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm ưu tiên sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương và để nâng cao trách nhiệm trả nợ của các địa phương, tránh phát sinh các khoản vay NQNN của ngân sách cấp tỉnh bị kéo dài trong thời gian trước đây.

Về việc mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thay thế cụm từ “mua lại có kỳ hạn TPCP” bằng cụm từ “mua bán lại TPCP” để thống nhất với cách sử dụng từ ngữ tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, dự thảo bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của KBNN đối với việc xử lý tài sản bảo đảm trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, không thanh toán tiền trong giao dịch lần 2 cho KBNN.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, về biện pháp phòng ngừa rủi ro, để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi của các địa phương (có địa phương có nhu cầu nhưng không được tạm ứng/vay NQNN; nhiều địa phương không có nhu cầu tạm ứng/vay NQNN nhưng được phân bổ hạn mức), Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ quy định hạn mức sử dụng NQNN cho từng ngân sách địa phương cấp tỉnh tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính sẽ quyết định sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng, cho vay đối với từng địa phương; đảm bảo tổng số dư nợ tạm ứng, vay NQNN và các khoản dư nợ huy động khác của ngân sách địa phương cấp tỉnh nằm trong mức được phép huy động tối đa theo quy định tại Luật NSNN./.