TP. Hồ Chí Minh: Chính quyền vào cuộc, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm Người lao động mong sớm được giải quyết khó khăn về nhà ở

Lao động phi chính thức chiếm 60%

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2023 là 52,4 triệu người, tăng 92,6 nghìn người so với quý trước và tăng 546 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động tăng là xu thế tất yếu trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, cơ quan thống kê nhận định.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý III năm 2023 ước tính là 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người so với quý trước và tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60% tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhận xét, người lao động Việt Nam khá linh hoạt để tìm kiếm công việc trên thị trường, họ có thể chấp nhận làm công việc phi chính thức để đảm bảo duy trì cuộc sống trong khi chưa tìm được công việc chính thức.

Thu nhập của người lao động tăng 359.000 đồng so với năm ngoái

Thu nhập bình quân của người lao động quý III năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 146 nghìn đồng so với quý trước và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, quý III năm nay thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng kinh tế – xã hội đều tăng.

Ở hầu hết các ngành kinh tế, thu nhập bình quân của lao động cũng tăng. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm 2022 như: ngành khai khoáng là 10,4 triệu đồng/tháng/người, tăng 11%, tương ứng tăng 1,03 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân là 6,9 triệu đồng/tháng/người, tăng 7,5%, tương ứng tăng 486 nghìn đồng; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe gắn máy là 8,2 triệu đồng, tăng 6,5%, tương ứng tăng 500 nghìn đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 7,8 triệu đồng, tăng 3,6%, tương ứng tăng 271 nghìn đồng.

Cùng với đó, khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV năm 2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I năm 2023 (4,5%) và giữ mức 4,2% vào quý III năm 2023, tương ứng với khoảng hơn 2,2 triệu người.

Sau đại dịch, thị trường lao động vẫn còn bấp bênh
Số lao động có việc làm trong quý III đã tăng so với quý trước.

Về tính chất, lao động mang tính thị trường hơn, biểu hiện là số lao động làm công việc tự sản, tự tiêu liên tục giảm dần. Từ quý III năm 2021 trở lại đây, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý. Con số này của quý III năm 2023 là 3,7 triệu người, tiếp tục giảm 220,4 nghìn người so với quý trước và giảm gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Đời sống của người lao động được cải thiện chậm

Đánh giá chung, Tổng cục Thống kê cho rằng lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững và có những điểm hạn chế.

Đó là, mặc dù lao động có việc làm nói chung có xu hướng tăng, tuy nhiên xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thì thấp.

Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý III năm 2023 là 33,4 triệu người, tăng 43,9 nghìn người so với quý trước và tăng 355,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Sau đại dịch, thị trường lao động vẫn còn bấp bênh
Tình hình lao động việc làm 9 tháng năm 2023. Nguồn: TCTK

Lao động có việc làm tăng nhưng tỷ lệ thiếu việc làm quý này không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 là 2,06%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm (giảm 54,1 nghìn người), trong khi đó, ở khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng (tăng 109,2 nghìn người và tăng 14,1 nghìn người).

Đời sống của người lao động quý III năm nay được cải thiện chậm. Quý III/2022, thị trường lao động đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động lên tới 30,1% so với quý III/2021. Bước sang quý III/2023, thu nhập bình quân của lao động tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã chậm lại đáng kể, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,7%).

Tỷ lệ thất nghiệp 2,3%

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm xuống, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến cũng giảm, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu.

Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 là 2,30%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.