Theo đó, HĐND TP.Hà Nội thống nhất với phương án trình của UBND TP. Hà Nội về việc thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn: Thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; thành lập Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.

Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động-Thương binh xã hội; tổ chức lại Văn phòng UBND TP.Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND TP.Hà Nội; thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải.

Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc thành phố; thành lập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP.Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Sau sắp xếp, Hà Nội có 15 sở và 1 cơ quan tương đương
Quang cảnh kỳ họp.

Sau sắp xếp Hà Nội có 15 sở và 1 cơ quan tương đương (giảm 6 sở so với năm 2024) bao gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra Thành phố; Văn phòng UBND thành phố; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố.

Riêng Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương.

HĐND TP.Hà Nội giao UBND TP. Hà Nội ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác theo quy định để tổ chức thực hiện mô hình tổ chức bộ máy mới từ 1/3/3025.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện chuyển giao, tiếp nhận, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tài liệu, con dấu, trụ sở làm việc, tài chính, tài sản theo quy định.

Ngoài ra, chỉ đạo tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND TP có liên quan để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, thay thế phù hợp với các quy định của pháp luật, tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính để đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính…

Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 21 HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp được tổ chức để xem xét, quyết định nhiều vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết của thành phố, gồm:

Một là, xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.

Hai là, HĐND TP.Hà Nội xem xét, quyết nghị về bổ sung mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố năm 2025 tăng trưởng từ 8% trở lên.

Ba là, xem xét về chủ trương đầu tư của 4 dự án đầu tư công rất quan trọng của thành phố.

Bốn là, thực hiện xem xét các nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.