Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh kịp thời nhập lương thực dự trữ quốc gia. Ảnh: Văn Hiền |
Sửa đổi để phù hợp với tình hình mới
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) số 22/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đây là khung pháp lý căn bản, quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động DTQG, bảo đảm mục tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh.
Kịp thời bù lại hàng dự trữ sau khi đã xuất cấpDự thảo Luật đề xuất: Thủ tướng Chính phủ là người quyết định luôn ngân sách trung ương (nguồn tiền) để mua hàng nhập kho DTQG mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất, cấp. Đây là cải cách đáng kể về thủ tục hành chính, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc “Hàng DTQG sau xuất cấp phải được bù lại đủ, kịp thời” được triệt để, kịp thời. |
Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Luật, Nhà nước đã tạo lập được nguồn lực DTQG đủ mạnh, có cơ chế điều hành, quản lý sử dụng nguồn lực DTQG hợp lý, có hiệu quả. Nhờ đó Nhà nước đã chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống đột xuất, cấp bách, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thực tế sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật DTQG đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, Luật DTQG chưa có quy định để điều chỉnh xử lý đối với tình huống Đảng và Nhà nước sử dụng nguồn lực DTQG để đối ngoại. Đây là thực tế đã phát sinh trong những năm gần đây, đòi hỏi phải quy định tại Luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai thực hiện được chặt chẽ.
Theo Bộ Tài chính, Khoản 1 Điều 35 Luật DTQG quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập, xuất hàng DTQG trong 4 tình huống: Bệnh dịch xảy ra tại địa phương (theo công bố của chủ tịch UBND tỉnh); phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cứu đói; khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến; đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Thực tế cho thấy, ngoài 4 tình huống trên, những năm gần đây Đảng và Nhà nước còn sử dụng hàng DTQG để phục vụ công tác đối ngoại. Vì vậy, cần bổ sung quy định đối với tình huống này để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và phù hợp với tình hình thực tế giúp cho việc triển khai thực hiện được chặt chẽ, có hiệu quả.
Liên quan tới tác động về kinh tế - xã hội, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định xuất hàng DTQG “phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước” là để cụ thể hóa biện pháp thực hiện chủ trương thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao địa vị của đất nước trên trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trong cảnh việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Theo đó, tại dự thảo luật sửa đổi 7 luật, trong đó có Luật DTQG, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm quy định: “đ) Phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước” vào khoản 1 Điều 35 Luật DTQG, đồng thời bổ sung thêm điểm “d) Trường hợp xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định” vào khoản 2 Điều 35 Luật DTQG.
Thủ tướng quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia
Theo Bộ Tài chính, quy định về quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại điểm b khoản 2 Điều 12 “quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp” và quy định về nhiệm vụ của Chính phủ tại điểm d khoản 1 Điều 13 “trình UBTVQH quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp” là chưa hợp lý, phát sinh thêm thủ tục hành chính, tốn phí nhiều thời gian.
Thực tế thực hiện quy định này trong thời gian qua cho thấy quy trình này đã dẫn đến việc tuân thủ nguyên tắc “hàng DTQG sau khi xuất phải được bù lại đủ, kịp thời” quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật DTQG chưa được triệt để vì cần thêm thời gian để Chính phủ gửi trình UBTVQH quyết định. Trong khi cũng tại điểm c khoản 2 Điều 13 đã quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là “Quyết định việc nhập, xuất hàng DTQG theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Vì vậy, việc quy định bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất là cần thiết, đảm bảo tính khoa học, thống nhất với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật DTQG.
Đề xuất này có tác dụng giảm đáng kể thời gian so với quy định hiện hành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ là người quyết định luôn ngân sách trung ương (nguồn tiền) để mua hàng nhập kho DTQG mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất, cấp. Đây là giải pháp cải cách đáng kể về thủ tục hành chính, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc “Hàng DTQG sau xuất cấp phải được bù lại đủ, kịp thời” được triệt để, kịp thời.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp là để bảo đảm tính khoa học, thống nhất giữa các điều tại Luật DTQG và đồng bộ với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
Giải pháp đề xuất một mặt giúp cho việc mua hàng DTQG đã xuất được thực hiện kịp thời, theo đúng nguyên tắc quy định tại Luật DTQG. Mặt khác, bảo đảm nguồn lực để Nhà nước chủ động ứng phó với tình huống đột xuất. Việc quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp là giải pháp cải cách đáng kể về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện.
10 năm, tổng mức dự trữ quốc gia tăng gần 1,5 lầnTừ khi Luật DTQG có hiệu lực (1/7/2013) đến nay, tổng mức DTQG và mức chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực DTQG có sự tăng trưởng về giá trị tuyệt đối so với với giai đoạn trước, đảm bảo chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách theo mục tiêu DTQG. Hàng DTQG đảm bảo ứng cứu kịp thời, hiệu quả cho phòng, chống thiên tai, bão lũ, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ an ninh, quốc phòng, góp phần đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống người dân. Theo đó, tổng mức DTQG có chuyển dịch theo xu hướng tăng về giá trị tuyệt đối trong giai đoạn 2013 - 2023. Tổng mức DTQG tính đến cuối năm 2023 tăng gần 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2013. Chi NSNN cho mua hàng DTQG có tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2023, mức chi NSNN cho DTQG năm 2023 cao gấp 3,5 lần so với năm 2013. Giá trị hàng DTQG xuất cấp trong mục tiêu DTQG có xu hướng tăng đều qua các năm trong giai đoạn 2013 đến 2021. Tổng giá trị hàng xuất cấp năm 2021 đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2013. Trong 2 năm gần đây, 2022 và 2023, giá trị hàng DTQG xuất cấp cho mục tiêu DTQG sụt giảm đáng kể chỉ còn 664 tỷ đồng năm 2021 và 492 tỷ đồng vào năm 2022. Mặc dù có sự tăng giảm biến động lớn về giá trị hàng DTQG xuất cấp nhưng từ khi Luật DTQG có hiệu lực đến nay, hàng DTQG xuất cấp đáp ứng đủ 100% các đề xuất của các địa phương, bộ, ngành theo mục tiêu DTQG cả về số lượng, chất lượng và chủng loại hàng. Về danh mục hàng DTQG, đến nay, danh mục hàng DTQG quy định gồm 13 nhóm hàng DTQG được chi tiết thành 68 mặt hàng trong danh mục chi tiết hàng DTQG. Các mặt hàng quy định trong danh mục đảm bảo phù hợp với mục tiêu DTQG và tiêu chí hàng DTQG quy định tại Luật. Cơ cấu hàng DTQG trong giai đoạn 2013 - 2023 chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng phục vụ an ninh, quốc phòng; giảm tỷ trọng mặt hàng lương thực. Nhìn chung, danh mục và cơ cấu mặt hàng DTQG đang dự trữ trong thời gian qua cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng DTQG, đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách theo mục tiêu DTQG. |