Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thích ứng thông lệ quốc tế, phù hợp bối cảnh Việt Nam Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với thông lệ quốc tế Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đảm bảo công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế
Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân

Sản lượng tiêu thụ rượu, bia vẫn tiếp tục tăng

Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Định hướng sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ tập trung vào 4 chính sách, gồm: Chính sách 1, mở rộng cơ sở tính thuế, theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng thuế suất phù hợp.

Chính sách 2, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá; nghiên cứu tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Chính sách 3, sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan…

Chia sẻ tại hội thảo “Trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế TTĐB”, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009, đã góp phần vào sự thành công của Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Thực tế thực hiện cho thấy, Luật Thuế TTĐB đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế TTĐB vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB, cũng như mục tiêu đề ra của Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030.

Bà Hằng phân tích, bên cạnh thuốc lá, việc tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng cũng gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội như: bạo lực, an ninh trật tự, an toàn giao thông,... Giống như mặt hàng thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, do vậy dễ bị lạm dụng.

Bà Hằng cho biết thêm, trước ngày 1/1/2010, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt theo loại: bia chai, bia lon áp dụng các mức thuế suất 75% đối với bia chai; bia tươi, bia hơi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% từ năm 2008. Thực hiện yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB số 27/2008/ QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013.

Việc thống nhất mức thuế suất đối với bia để thực hiện cam kết gia nhập WTO, do vậy đã phải điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% - 50% nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất bia địa phương (cơ cấu bia hơi chiếm tỷ trọng lớn) tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương.

Trong những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ bia có xu hướng tăng: năm 2019 là 4,6 tỷ lít, năm 2020 là 3,95 tỷ lít, năm 2021 là 3,5 tỷ lít, năm 2022 là 4,4 tỷ lít. Do vậy, cần tiếp tục tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là hết sức cần thiết.

Rà soát, sửa đổi khắc phục tồn tại, bất cập

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho rằng, với sản lượng tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước, việc áp dụng thuế TTĐB với mức thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và hành động về tác hại của việc sử dụng nhiều sản phẩm này để giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia.

Mặt khác, việc sửa đổi mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia vừa khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật thuế TTĐB trước đây, vừa đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta trong Hiệp định gia nhập WTO. Việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi, thuế TTĐB là một chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được chính sách thuế TTĐB hiện hành bộc lộ một số bất cập và hạn chế. Cụ thể, cơ cấu thuế suất với một số nhóm mặt hàng chưa thật sự mang lại hiệu quả, chưa góp phần giảm tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng của các sản phẩm chịu thuế.

Căn cứ tính thuế còn chưa được cập nhật so với các thông lệ tốt của quốc tế và chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng đối với các sản phẩm có hại với sức khỏe, cũng như mục tiêu khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Do đó, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá, rà soát lại Luật Thuế TTĐB. việc nghiên cứu sửa đổi luật thuế cần đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

BÀ ĐINH THỊ THU THỦY - PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ, BỘ Y TẾ:

Tăng thuế rượu, bia sẽ giảm gánh nặng bệnh tật

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân
Bà Đinh Thị Thu Thủy

Tình hình tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội. Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh liên quan đến rượu như: loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Còn đối với mặt hàng đồ uống có đường, việc sử dụng đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa… Những vấn đề này là gánh nặng y tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Do đó, không kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường sẽ đem lại nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội đáng báo động.

Vì lý do trên, Bộ Y tế nhất trí cần tăng thuế, đưa mặt hàng đồ uống có đường vào chịu thuế TTĐB, nhằm giảm tiêu dùng rượu, bia, giảm tiếp cận với rượu, bia của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm tiêu thụ đồ uống có đường, vì đây là các đối tượng dễ bị tổn thương và cũng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng hơn từ tác hại của rượu, bia. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.

PGS.TS. VŨ SỸ CƯỜNG - PHÓ TRƯỞNG BỘ MÔN PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH (HỌC VIỆN TÀI CHÍNH):

Hạn chế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có ngoại ứng tiêu cực

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân
PGS.TS Vũ Sĩ Cường

Xu hướng tiêu dùng và bối cảnh kinh tế đã thay đổi lớn, nên việc cải cách thuế TTĐB tại Việt Nam là cần thiết. Với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, việc nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ % và thuế suất tuyệt đối (tính chung là thuế hỗn hợp) là cần thiết và phù hợp với xu hướng thế giới đang áp dụng và mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước; đồng thời hạn chế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có ngoại ứng tiêu cực, hạn chế vấn đề chênh lệch giá lớn giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ.

Một cơ cấu thuế hiệu quả là cơ cấu có khả năng cân bằng các mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tạo ra nguồn thu thuế bền vững, đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng bất hợp pháp.

Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm điều chỉnh sắc thuế này trong tình hình mới. Về nguyên tắc khi sửa luật thuế cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xác định rõ việc cải cách Luật Thuế TTĐB là nhằm các mục tiêu nào: tăng thu ngân sách, hạn chế ngoại ứng tiêu cực, đảm bảo công khai minh bạch khi thu thuế, hỗ trợ sản xuất, đảm bảo công bằng trong sản xuất và tiêu dùng…