Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đảm bảo công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế
Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp dụng với bia là 65%. Ảnh: TL

Tăng thuế để hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại sức khỏe

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo hồ sơ báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính, Luật Thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao; góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Hiện nay trên thế giới có khoảng 73% quốc gia đang áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp; còn lại 27% là áp dụng phương pháp thuế tương đối. Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối và thuộc nhóm 27% này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB tại Việt Nam còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Việc điều tiết đối với một số hàng hóa xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng và điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Ngoài ra, yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh; khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu sang tự sản xuất; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế TTĐB với các nội dung chính, gồm: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.

Phù hợp với định hướng phát triển của Nhà nước

Bà Hương Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, công cụ thuế nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Mặt khác, công cụ thuế còn giữ vai trò tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định lâu dài, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, vận hành bộ máy nhà nước và chi cho đầu tư phát triển.

Lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp để hài hòa các lợi ích

“Hiện nay, có một số ý kiến đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu, áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp đối với các sản phẩm rượu bia như một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên, thị trường rượu bia của Việt Nam có những đặc điểm rất khác biệt so với các quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế nào phải được các nhà làm chính sách nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng để ít gây ảnh hưởng nhất đến các doanh nghiệp nhưng đạt được mục tiêu chính sách” - bà Hương Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam nêu ý kiến.

Bà Hương Vũ nhấn mạnh, giống như các sắc thuế khác, thuế TTĐB cũng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong công tác điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước. Cụ thể, thuế TTĐB là loại thuế gián thu được Nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả để điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định.

Thuế đánh một lần ở khâu sản xuất/nhập khẩu, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế. Thuế TTĐB có diện đánh thuế hẹp, chỉ áp dụng đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước muốn điều tiết tiêu dùng ở mức hợp lý, không khuyến khích sử dụng.

Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này của Bộ Tài chính đang được dư luận chú ý là đề xuất bổ sung căn cứ tính thuế TTĐB theo phương pháp thuế tuyệt đối, phương pháp thuế hỗn hợp, bên cạnh phương pháp tương đối truyền thống mà Việt Nam vẫn áp dụng từ trước đến nay.

Bà Hương Vũ thông tin, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng, hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Trong đó, các quốc gia cũng sử dụng các phương pháp tính thuế khác nhau, tùy theo tình hình cụ thể của mỗi quốc gia.

Nêu quan điểm tại hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá, rà soát lại Luật Thuế TTĐB hiện hành. Hiện nay, thuế TTĐB đang áp dụng với rượu từ 35 đến 65% (tùy loại), bia là 65%.

Việt Nam vẫn xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, theo số liệu của năm 2021. Do đó, việc đề xuất theo hướng tăng thuế như dự thảo luật là phù hợp, nhưng cần tính đến lộ trình và thời điểm.

Nêu quan điểm về phương pháp tính thuế, ông Lực cho rằng, nguyên tắc sửa đổi thuế là phải hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Mỗi phương pháp tính thuế có ưu và nhược điểm khác nhau. Cơ quan thuế có đủ phương pháp để tính toán các mặt hàng khác nhau để áp dụng phương pháp tính thuế khác nhau.

Ông Lực thông tin thêm, hiện nay trên thế giới có khoảng 73% quốc gia đang áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp; còn lại 27% là áp dụng phương pháp thuế tương đối. Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối và thuộc nhóm 27% này. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về lộ trình và cân nhắc phù hợp với các chính sách tài khóa, tiền tệ để áp dụng cho phù hợp.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước

Việc đề xuất sửa đổi Luật Thuế TTĐB thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh “hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế”; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đưa ra nhiệm vụ “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có gas...”.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 có đưa ra định hướng về sửa đổi bổ sung các luật thuế theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế; Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đưa ra phương hướng huy động nguồn lực bao gồm cả việc xây dựng phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó còn có Quyết định 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra áp thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn; Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất mức thuế phù hợp với các sản phẩm đồ uống có đường, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe... Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi); đã trình Chính phủ và đang ở khâu lập đề nghị.