6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung

Khai mạc hội thảo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho hay, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, thậm chí là sự sống còn của doanh nghiệp.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Theo đó, Dự án Luật có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bổ sung 4 đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng. Sửa đổi đối tượng chịu thuế với xe ô tô: Bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ; tàu bay sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn”. Bổ sung đối tượng không chịu thuế TTĐB: Tàu bay, một số loại xe ô tô không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; hàng hoá “mượn đường qua của khẩu, biên giới Việt Nam”, hàng hoá “trung chuyển”; hàng hoá đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại.

“VCCI mong muốn lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp để truyền tải một cách chính xác, trung thực và kịp thời tới Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị liên quan để có quyết sách phù hợp” - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Dự thảo Luật cũng đưa ra chính sách hoàn thiện về căn cứ tính thuế; giá tính thuế TTĐB; thuế suất tiêu thụ đặc biệt; hoàn thuế TTĐB. Đại diện VCCI cũng đưa ra những đánh giá cơ bản về dự án luật nếu đưa vào thực thi ở thời điểm hiện tại.

Trong đó, về mặt tích cực, dự án luật giúp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, giá của sản phẩm đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới và dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng sẽ tăng thêm tương ứng với số thuế TTĐB phải nộp, qua đó định hướng tiêu dùng, góp phần giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới tử đó nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đối với sản xuất, áp dụng thuế TTĐB sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó có thể làm giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản phẩm các sản xuất tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với ngân sách nhà nước, số thu ngân sách tăng do đây là các đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung.

Về mặt không tích cực, việc thực hiện đánh thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ này và qua đó sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đồng thuận với một số quan điểm của Bộ Tài chính về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật thuế TTĐB (sửa đồi).

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân
TS. Nguyễn Minh Thảo đóp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đồi). Ảnh: Hải Anh

"Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động kinh tế - xã hội nhất định, do vậy việc xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) cũng là giải pháp hài hòa để vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển" - TS Nguyễn Minh Thảo nói.

Trên thực tế, Bộ Tài chính đã có dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Tờ trình của Bộ Tài chính đã chứng minh các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Luật Thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng và điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Ngoài ra, yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em.

Riêng với mặt hàng rượu, bia, Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: đối với rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016; 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018. Riêng với mặt hàng bia, từ ngày 1/1/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.

Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xu hướng chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế, nhằm hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe, hoặc Nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Trong nghiên cứu điều chỉnh lần này, một trong những phương án được Bộ Tài chính đề xuất là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán. Cùng với việc điều chỉnh mức thuế suất, theo định hướng Luật Thuế TTĐB sửa đổi sẽ bổ sung quy định về cơ sở tính thuế đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp.