Vẫn muốn giảm lãi suất thấp hơn

Theo các thông điệp phát đi thời gian qua từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quan điểm chủ đạo của ngành ngân hàng là tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tác động hai chiều lên lãi suất năm 2022

Ngành ngân hàng tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ
doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng chung của Quốc hội và Chính phủ trong việc thực thi các mục tiêu chung trong thực thi các chính sách thúc đẩy kinh tế xã hội. Cụ thể, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng đề cập một trong những nội dung của chính sách tiền tệ là điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Nghị quyết 43 cũng đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Ở cấp độ Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cũng giao Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Những bài toán khó từ thị trường

Chủ trương chung hoàn toàn phù hợp trong mục tiêu thúc đẩy kinh tế sau đoạn khó khăn khi Chỉ thị 01 cũng đã nêu rõ những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, nhất là bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và biến động của tình hình quốc tế, khu vực. Đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài hai năm qua. Tuy nhiên, một trong những bài toán khó mà các ngân hàng cũng đang phải đối diện là ngay cả khi các hoạt động kinh tế hồi phục, nhu cầu tín dụng tăng cao trở lại thì sức ép tăng lãi suất thậm chí có thể sẽ xuất hiện theo quy luật cung cầu của thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng tín đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng được 2,74% so với cuối năm 2020. Theo đó, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng khoảng 16,32% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2022 đã nhanh hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, bởi tháng 1/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,53%.

Đánh giá chung về thị trường tiền tệ năm 2022, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, trong năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi lại, nhu cầu vay vốn gia tăng. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra trong giai đoạn tới nguy cơ lạm phát cao vẫn hiển hiện, dòng tiền nóng chảy vào thị trường đầu cơ như bất động sản, một số nhóm cổ phiếu cũng cần kiểm soát chặt chẽ. Nợ xấu tại các ngân hàng cũng có nguy cơ gia tăng sau khi các chính sách tái cơ cấu, giãn nợ, miễn lãi suất sẽ tạm dừng từ quý III/2022 (theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN).

Với những vấn đề đang phải đối diện như trên, các chuyên gia cho rằng, tín dụng cũng cần phải được “kìm” ở mức hợp lý vì tăng trưởng quá cao cũng sẽ có những ảnh hưởng không tốt cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Trong một số trường hợp, một trong những giải pháp thị trường và các ngân hàng có thể thực hiện để “giảm van” tín dụng chính là công cụ tăng lãi suất. Đây có thể cũng sẽ là một trong những trở ngại trong kỳ vọng chung hướng tới việc giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.

Diễn biến thực tế thị trường cho thấy lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu gì là sẽ tăng, nhưng lãi suất huy động trong thời điểm đầu năm 2022 đã “rục rịch” tăng cục bộ tại một số ngân hàng nhỏ. Trong các năm trước, lãi suất huy động tăng thường tạo ra áp lực buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để duy trì biên lợi nhuận. Tuy nhiên thời gian gần đây, các ngân hàng đã có những giải pháp chèo lái bằng việc đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng trực tuyến và động thái giúp các ngân hàng tăng được huy động tiền gửi không kỳ hạn với chi phí huy động thấp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, lãi suất không kỳ hạn rất thấp, trong khi năm 2021 đã có những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn lên tới 30 – 40%, một số khác cũng đạt tới 15-20%. Điều này cho thấy ý thức người dân từng bước đã ít giữ tiền mặt hơn và để tiền trong tài khoản nhiều lên để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán.

16 ngân hàng đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng giảm lãi suất trong năm 2021

Trong năm 2021 (kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 31/12/2021), 16 ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất theo cam kết do các ngân hàng này họp hồi đầu tháng 7/2021. Tổng số tiền lãi suất giảm đạt 21.244 tỷ đồng, bằng 105,13% so với cam kết. Trong đó, Agribank là ngân hàng giảm nhiều nhất với tổng tiền lãi đã giảm cho khách hàng với 5.512 tỷ đồng cho trên 3,5 triệu khách hàng. Vietcombank đã giảm tổng số tiền lãi là 4.635 tỷ đồng cho 269.664 khách hàng. BIDV giảm được 4.128 tỷ đồng cho 452.746 khách hàng. VietinBank đã giảm tổng tiền lãi 2.259 tỷ đồng cho 967.697 khách hàng.