sua

SCIC đã hoàn thành bán vốn Vinamilk đợt 1 thu về 11.286,4 tỷ đồng.

Trong lúc đó, đơn vị thoái vốn chuyên nghiệp nhất - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại “đói hàng”, do các bộ, ngành, địa phương không chịu bàn giao về SCIC theo quy định.

SCIC chiếm trên 77% tổng số vốn thoái

Theo cập nhật của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 7 tháng năm 2017). Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm đạt 103 tỷ đồng, thu về 103 tỷ đồng. Ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm, thoái vốn đầu tư ở DN khác đạt 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng. Trong đó, SCIC đã bán vốn tại 20 DN với giá trị là 1.394 tỷ đồng, thu về 12.238 tỷ đồng (bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk).

Như vậy, tổng số vốn thoái và thu về toàn quốc hiện là 15.770 tỷ đồng, riêng SCIC đã thu 12.238 tỷ đồng, chiếm trên 77,6%. Điều đáng quan tâm hơn là SCIC đang dần cho thấy sự chuyên nghiệp trong hoạt động thoái vốn. Đơn cử thoái vốn tại DN lớn như Vinamilk, SCIC đã hoàn thành việc bán vốn đợt 1 đạt hiệu quả cao, khi thu về 11.286,4 tỷ đồng mặc dù giá trị sổ sách chỉ 783,7 tỷ đồng. Đối với chủ trương bán vốn đợt 2 của Chính phủ, SCIC đã nhanh chóng trình phương án và được Chính phủ chấp thuận. Trong lúc đó, việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco (thuộc Bộ Công thương) vẫn chưa được chốt.

Với các khoản thoái vốn tại các DN nói chung, sau thời gian tiếp nhận, tái cơ cấu, SCIC đã nâng cao được giá trị đồng vốn nhà nước. Chẳng hạn, tại Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, giá trị sổ sách hơn 494,9 tỷ đồng nhưng thoái, thu về 796,9 tỷ đồng. Tại Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam giá trị sổ sách 19,5 tỷ đồng nhưng thoái, thu về hơn 50,9 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và Đầu tư Barotex giá trị sổ sách 19,9 tỷ đồng, thoái thu về hơn 30,3 tỷ đồng...

Theo báo cáo của Cục Tài chính DN, tháng 7/2017, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, có 26 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, 7/44 DN thuộc danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017, số còn lại thực hiện theo Quyết định phê duyệt giai đoạn 2011- 2016. Tổng giá trị thực tế của 26 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 71.880 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 18.368 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 26 đơn vị là 22.633 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.063 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 6.528 tỷ đồng, bán cho người lao động 156 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 16 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.869 tỷ đồng.

Nhìn chung, đánh giá về sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh hiện nay, việc thoái vốn còn chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chậm ban hành kế hoạch. Chẳng hạn, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang “nợ” quyết định tổng thể về danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Nhưng nhờ sự chủ động tham mưu sớm, SCIC đã được Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020. Theo đó, trong quyết định phê duyệt nêu cụ thể: Giai đoạn 2017 - 2020, SCIC bán vốn nhà nước tại 132 DN; có 4 DN SCIC được chủ động bán vốn ở thời gian thích hợp, đồng thời được chủ động thoái vốn ở những DN mới tiếp nhận. Chính cơ chế rõ ràng, cộng với tính chuyên nghiệp của một đơn vị kinh doanh khiến SCIC có ưu điểm hơn các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thoái vốn.

Cần thực hiện nghiêm việc bàn giao vốn về SCIC

Với những ưu điểm đó của SCIC, lẽ ra các bộ, địa phương cần nhanh chóng bàn giao các DN sau cổ phần hóa về SCIC theo quy định tại Điều 7, Nghị định 151/2013/NĐ-CP. Theo đó, SCIC sẽ phân loại, thoái vốn theo danh mục được phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các bộ, địa phương một mực xin giữ lại DN với cái cớ “quan trọng đối với sự phát triển của ngành”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như SCIC, từ năm 2013 đến nay, có khoảng 234 DN có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 61 DN chuyển được vốn. Các địa phương còn giữ lại 141 DN, trong đó TP. Hồ Chí Minh là 50 DN. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 46 DN được các bộ, ngành, địa phương thống nhất chuyển giao vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa chuyển giao. 176 DN chưa thống nhất chuyển giao về SCIC.

Trong số 730 DN cổ phần hóa chưa đăng ký niêm yết mà Bộ Tài chính vừa thống kê, chủ yếu là DN thuộc địa phương và các bộ. Nhiều DN trong số này không thuộc diện Nhà nước phải tiếp tục nắm giữ vốn, nhưng các địa phương, bộ, ngành vẫn không thoái vốn hoặc thoái không được do các bộ, ngành, địa phương không có bộ phận “chuyên” việc kinh doanh, không nắm chắc các quy định nên sợ trách nhiệm nếu bán rẻ vốn.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và đạt mức thu NSNN 60 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cần nghiêm túc triển khai việc bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chế tài mạnh nếu các đơn vị không thực hiện, vì đến nay, chưa thấy bộ, ngành, địa phương nào bị xử lý về việc chậm trễ này.

Bên cạnh đó, những DN đang được bộ, ngành, địa phương tiến hành thoái vốn nếu đến hết tháng 9/2017 chưa hoàn thiện phương án cần chuyển ngay về SCIC. Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời, cũng giúp các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao.

Hà Minh