Gỡ nút thắt cho các đơn vị sự nghiệp công lập
Đánh giá chung, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi các Luật và thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo để thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, xử lý các vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các luật.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh), đa số các nội dung trong dự thảo thể hiện tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai quyết định mua sắm theo Luật Đấu thầu, cũng như các vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công và Luật PPP. Tinh thần phân cấp và tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cấp địa phương và các đơn vị thực hiện được thể hiện rõ ràng.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, đây là một bước tiến rất quan trọng trong cải cách thể chế, minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện nay, nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến pháp luật về đấu thầu, PPP, đầu tư công... nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo, đặc biệt liên quan đến khắc phục các bất cập ở Luật Đấu thầu, Luật PPP, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT...
Về xử lý vướng mắc cho các dự án BOT, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, hiện còn khoảng 7 - 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhưng nhà thầu không thu được phí do phản đối từ người dân. Cần làm rõ nguyên nhân, lỗi thuộc về nhà đầu tư, nhà nước, hay cả hai, hoặc do người dân. Việc kéo dài tình trạng này gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng cho vay, và không mang lại hiệu quả cho nhà nước, đồng thời gây bất mãn trong dư luận. Đại biểu đề nghị phải xử lý dứt điểm các dự án này. |
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp chủ đầu tư cho phép nhà đầu tư chọn dự án và đã làm hồ sơ thiết kế, bản vẽ… hoàn thiện hồ sơ đầy đủ. Sau đó, dự án vẫn phải qua tổ chức đầu thầu và người trúng vẫn là nhà đầu tư đó. “Như vậy tổ chức đấu thầu để làm cái gì?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Do đó, đại biểu đồng tình với dự thảo quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị phải có quy định rành mạch, rõ ràng về việc cho phép lựa chọn nhà thầu để tránh gây thiệt hại cho ngân sách.
Tán thành việc sửa đổi khoản 7 Điều 3 và bổ sung thêm khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 3 của Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh đây là một nội dung quan trọng, đã tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi các bệnh viện tự chủ tài chính có nguồn thu hợp pháp từ các hoạt động mà nguồn thu chính là thu dịch vụ y tế, nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy trình đấu thầu giống như các dự án đầu tư công;
Tuy nhiên, trong các điều khoản cụ thể tại dự thảo, đại biểu lưu ý rà soát một số khái niệm, chính sách trong dự thảo để có sự đồng bộ, thống nhất với các Luật cũng đang sửa tại Kỳ họp này như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số.
Bổ sung cơ chế xử lý nhà thầu chào giá thấp bất thường
Cũng quan tâm đến Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) bày tỏ tán thành cao với quy định ưu đãi cho sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sản xuất, đáp ứng tiêu chí nghiên cứu, thiết kế, phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát để đảm bảo thống nhất với Điểm e, Khoản 1, Điều 10 của Luật Đấu thầu 2023, xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam là đối tượng được hưởng ưu đãi. Hiện nay, cả luật hiện hành và dự thảo mới chưa quy định cụ thể tiêu chí xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong triển khai và nguy cơ áp dụng không thống nhất. Do đó, cần bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chí xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam để minh bạch hóa cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước tham gia hiệu quả vào đấu thầu và đầu tư công.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) tại phiên thảo luận. |
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 61, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến theo hướng chủ đầu tư được quyền loại bỏ nhà thầu hoặc yêu cầu giải trình, làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá dự thầu nhằm ngăn chặn tình rủi ro cao về chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, làm tăng chi phí thực hiện gói thầu trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu để lựa chọn nhà thầu khác là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định trên chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề năng lực thi công kém; đồng thời, có thể tạo ra sự giảm cạnh tranh giá, tạo cơ chế giữ giá cao. Bên cạnh đó, quy định trên cho phép loại bỏ nhà thầu có giá chào “thấp bất thường”, nhưng chưa quy định thế nào là "thấp bất thường", thì phải chờ Chính phủ hướng dẫn.
Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề năng lực thi công kém như thực tiễn diễn ra nhiều trong thời gian qua, đại biểu đề nghị cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng thay giá sàn bằng quy định kiểm soát đầu vào, giám sát thi công, yêu cầu thời gian bảo hành dài hơn; đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm và chế độ hậu kiểm chặt chẽ./.
Nhiều nội dung trong dự thảo các Luật là để thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, xử lý các vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các luật. |