Giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: Nỗ lực từ địa phương cho mục tiêu giảm nghèo
Nguồn: CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Đồ họa: Văn Chung

Chuyển động từ thực tiễn địa phương

Năm 2025 được xác định là năm bản lề trong triển khai giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn lực này, các địa phương đã và đang chủ động, quyết liệt hơn trong giải ngân nhằm phát huy hiệu quả của từng đồng vốn.

Tại tỉnh Sơn La, chính quyền địa phương xác định rõ các chương trình này là công cụ trọng yếu để nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật để tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức mạnh cộng đồng trong triển khai các CTMTQG.

Tác động tích cực đến nhóm yếu thế

Các CTMTQG được triển khai trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động tích cực đến đối tượng là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La được trung ương phân bổ hơn 4.320 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để triển khai các CTMTQG. Đến nay, địa phương đã sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ đất ở, xây dựng, cải tạo nhà ở cho 640 hộ dân; xây dựng 85 công trình cấp nước tập trung phục vụ trên 8.200 hộ; cải tạo và làm mới hơn 160 công trình giao thông nông thôn cùng 190 nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng trên 50 công trình hạ tầng các loại; duy tu bảo dưỡng gần 90 công trình… Ngoài ra, hơn 70.600 lao động đã được kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề, trên 7.800 người thuộc diện nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tại Sơn La đã giảm xuống còn 19,23% trong năm 2024. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 42%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 98,53%; 100% hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.

Tại tỉnh Điện Biên, tổng vốn ngân sách trung ương phân bổ cho giai đoạn 2021 - 2025 của 3 CTMTQG là hơn 6.736 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã giải ngân được hơn 4.158 tỷ đồng, đạt 61,72% kế hoạch. Trong đó, Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 68,2%; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đạt 59,39%; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 53,55%.

Các CTMTQG tại Điện Biên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể trong 3 năm (từ 2022 - 2024), tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên giảm trên 4%/năm. Riêng năm 2024 giảm 4,39%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn tỉnh có 26/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2021; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nâng cao.

Khơi thông điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4/2025, tiến độ giải ngân vốn của từng CTMTQG trên cả nước vẫn chậm. Cụ thể, chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 16% kế hoạch (gần 2.695 tỷ đồng), chương trình giảm nghèo bền vững đạt 18% (hơn 793 tỷ đồng), còn chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 23% (hơn 4.285 tỷ đồng).

Thực tế cho thấy, các CTMTQG không chỉ là giải pháp tài chính đơn thuần mà còn là công cụ chính sách quan trọng để rút ngắn khoảng cách phát triển. Mỗi đồng vốn được giải ngân hiệu quả sẽ trở thành “cú hích” để người dân có thêm cơ hội phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Từ thực tế đó, nhiều địa phương đang tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp tăng tốc hướng tới mục tiêu chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước, tiếp tục cải thiện hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn và miền núi.

Năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm bình quân 4% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện từ nay đến cuối năm, đó là: Xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; giao cụ thể chỉ tiêu giảm nghèo và chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng xã, phường, thị trấn làm cơ sở để chỉ đạo, triển khai thực hiện…

Tại tỉnh Điện Biên, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định khi triển khai 3 CTMTQG trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt hiện tỉnh vẫn còn 3 huyện "trắng” nông thôn mới.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các huyện đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đảm bảo các dự án không bị gián đoạn. Đặc biệt, đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã yêu cầu huyện Điện Biên sớm hoàn thiện thủ tục công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới nâng cao; các huyện “trắng” xã nông thôn mới tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành cao nhất mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025…

Dù tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm 2025 còn thấp, nhưng với quyết tâm từ cấp cơ sở cùng với việc lồng ghép, điều phối các nguồn lực một cách linh hoạt, có thể kỳ vọng các chương trình sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Từng con đường mới mở, từng ngôi nhà khang trang hơn, từng tấm thẻ bảo hiểm y tế được trao tận tay người dân vùng khó khăn - đó là những minh chứng cụ thể cho hiệu quả của dòng vốn, nếu được triển khai hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ.

Hòa Bình tăng tốc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài chính tỉnh Hoà Bình, tính đến hết tháng 4 vừa qua, tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG trên địa bàn toàn tỉnh đạt rất thấp. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 9% so với kế hoạch được giao; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt 2,7% so với kế hoạch được giao.

Để khắc phục tình trạng "có tiền mà không tiêu được", UBND tỉnh Hoà Bình vừa ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc đẩy mạnh giải ngân, thanh toán vốn nguồn vốn này.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt và phát huy cao nhất vai trò cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo CTMTQG các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2025, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đạt 100% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 23/4/2025.

Các đơn vị phải kịp thời cụ thể hóa hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức triển khai các CTMTQG khi dừng hoạt động cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo thực hiện các CTMTQG được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nguồn vốn của các CTMTQG thường xuyên theo dõi, rà soát tiến độ thực hiện và thanh toán vốn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước trong quá trình kiểm soát, giải ngân vốn và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển năm 2025.