Chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tinh thần đột phá trong phân cấp, phân quyền
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự thảo Luật đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp. |
Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để phân cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện phù hợp với chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Cụ thể như, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ sang cho UBND tỉnh đối với 7 nhóm dự án tại Luật Đầu tư; phân cấp triệt để thẩm quyền của Thủ tướng cho bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP, quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án, quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP; chuyển các quy định chi tiết các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm tập trung tại Luật Đấu thầu sang Chính phủ và giao Chính phủ quy định chi tiết phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của Thủ tướng cho các bộ, cơ quan trung ương tại Luật Đầu tư công.
Về cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã rà soát và cắt bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính tại các luật.
Đơn cử như đã sửa đổi Luật Đấu thầu để cắt giảm một số khâu trung gian, lược bỏ các thủ tục không cần thiết như bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các hình thức đấu thầu đơn giản, quy mô nhỏ; bỏ vai trò bên mời thầu, chuyển giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, tổ chuyên gia để giảm một cấp trung gian, tinh gọn đầu mối và đơn giản hóa quy trình, thủ tục…
Luật PPP được sửa đổi theo hướng bỏ thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định, đơn giản hóa nội dung hồ sơ mời thầu, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu…
Luật Đầu tư công được sửa đổi để đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công theo hướng cho phép thành lập Hội đồng thẩm định đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án để thực hiện ngay một số thủ tục cần thiết.
Thủ tướng có thể giao cho bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng thẩm định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực của chương trình, dự án.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến tại phiên họp. |
Tháo gỡ các bất cập về đấu thầu
Trong các số nội dung sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng cho biết các quy định về đấu thầu nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp tổ cũng đã có các ý kiến về nội dung này.
Giải trình làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng cho việc sửa đổi Luật hướng tới mục tiêu khắc phục những bất cập như là làm chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, gây thất thoát… và đáp ứng được những yêu cầu mà Tổng Bí thư đã nêu.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, dự thảo Luật đã trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như là đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng… Nguyên tắc là bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư.
Dự thảo cũng mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, dự án. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này để bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Áp dụng phương pháp định giá, hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí kỹ thuật hoặc kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với các gói thầu trong lĩnh vực viễn thông, y tế, công nghệ, chiến lược nhằm lựa chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất, phương pháp kỹ thuật tối ưu và đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện gói thầu.
Quy trình, thủ tục đấu thầu cũng được đơn giản hóa để rút ngắn thời gian thực hiện.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội trường. |
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc hiện nay, tiếp thu ý kiến (chỉ đạo) của Tổng Bí thư, dự thảo đã sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả và chất lượng đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Theo đó, dự thảo trao quyền cho các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính nhóm 1 và nhóm 2 tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để đàm phán trực tiếp với nhà cung ứng nhằm giảm giá mua sắm. Dự thảo áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp kỹ thuật và giá, hoặc theo tiêu chí kỹ thuật, nâng tỷ trọng điểm kỹ thuật để lựa chọn nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả.
Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu quan tâm là về xử lý vướng mắc của các dự án BOT. Về nội dung này, Bộ trưởng khẳng định "một số dự án BOT gặp khó khăn hoàn toàn do lỗi của Nhà nước, không phải nhà đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi là tháo gỡ cho các dự án này".
Theo Bộ trưởng, từ năm 2021 - 2022, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và ban hành Nghị quyết để tháo gỡ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng tài trợ để giảm lãi suất, loại bỏ tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Hiện nay, từ tổng mức hơn 10.000 tỷ đồng, số tiền cần xử lý còn hơn 8.000 tỷ đồng. Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết về việc này.
Hiện tại, các dự án BOT trước đây vẫn đang được xử lý và sắp tới, khi khánh thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhiều dự án BOT trên Quốc lộ 1A song song với cao tốc Bắc - Nam cũng cần được giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, hiện nay, nhiều dự án đang chờ đánh giá tác động sau khi thu phí để xác định mức độ ảnh hưởng. Nguyên nhân là do Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam. Trong nhiệm kỳ 2026 - 2030, với kế hoạch xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc và các trục ngang, nhiều dự án BOT khác tại địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng, đòi hỏi phải có cơ chế xử lý. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính đưa quy định vào Luật PPP để tạo hành lang pháp lý chủ động, thay vì xử lý từng nhóm dự án riêng lẻ./.
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thu Hằng và đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về bổ sung chỉ định thầu cho các gói thầu đặc thù như tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, nâng hạn mức chỉ định thầu, hoặc yêu cầu nhà thầu có năng lực và giảm giá tốt, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu. Trong nghị định hướng dẫn chi tiết, sẽ bổ sung các trường hợp này, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và yêu cầu đàm phán giá để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất cho chủ đầu tư. |