Sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội phải tương xứng thu nhập người lao động
Tại phiên họp, các đại biểu cho biết đây là chính sách rất thiết thực, được người lao động rất mong chờ. Để chính sách có hiệu quả như kỳ vọng, các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến về các nội dung liên quan đến xác định giá nhà, Quỹ Phát triển nhà ở, khả năng tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp….
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) |
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương), việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia tại Trung ương và địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, quy định ở dự thảo còn nhiều nội dung chưa rõ. Đó là chưa xác định tỷ lệ ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ mỗi năm; chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau.
Theo đại biểu, nếu không có ràng buộc pháp lý cụ thể, Quỹ dễ rơi vào tình trạng hình thức, không đủ nguồn lực để triển khai. Đồng thời, ở các khu đô thị lớn, tập trung đông khu công nghiệp thì nhu cầu nhà ở sẽ rất lớn, trong khi các địa phương khác ít hơn. Do đó, đại biểu đề nghị phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao – trung bình – thấp, để từ đó có cơ chế phân bổ Quỹ phù hợp, tránh dàn trải.
Ngoài ra, dự thảo cũng chưa xác định được quy mô của Quỹ và mục tiêu cụ thể. Không có mốc này, đại biểu cho rằng rất khó để giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách. Do đó, đại biểu kiến nghị xác định mục tiêu tối thiểu Quỹ phải hỗ trợ, chẳng hạn khoảng 1 triệu người lao động trong vòng 5 năm tới.
Về giá bán, đại biểu cho rằng cần quy định khung giá theo khu vực. Nhà ở xã hội phải tương xứng với thu nhập của người lao động, cả khi mua hoặc thuê.
Đại biểu lưu ý, dự thảo chưa làm rõ cơ chế tính giá trị đất trong giá bán nhà ở xã hội. Trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao đất không thu tiền hoặc được khấu trừ thì không tính vào giá là hợp lý, nhưng nếu chủ đầu tư tự mua đất hoặc nhận chuyển nhượng, thì hiện nay chưa có hướng dẫn rõ ràng liệu có được đưa chi phí đất vào giá bán hay không. Nếu không cho phép đưa vào, nhà đầu tư không có động lực tham gia, còn nếu đưa vào mà không giới hạn, người lao động sẽ không kham nổi.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Nhà nước cần có cơ chế trợ giá, bù giá nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp để họ có thể an cư mà không phải mang nợ cả đời. Nhà ở xã hội không phải là nhà thương mại trá hình, cũng không nên trở thành gánh nặng nợ nần cho người nghèo. |
Theo đại biểu, quy định hiện tại chưa đặt trọng tâm vào khả năng chi trả thực tế của người lao động. Mặc dù có cơ chế quyết toán và hoàn trả phần chênh lệch nếu giá thấp hơn giá hợp đồng, nhưng chưa có khung giá trần theo thu nhập người lao động.
“Nhà ở xã hội – nếu đúng là xã hội – thì không nên để người dân phải 'cắm mặt trả nợ' suốt đời. Tôi đề nghị Nhà nước xây dựng khung giá trần nhà ở xã hội theo từng vùng, gắn với mức thu nhập bình quân. Đồng thời, cần có các gói tín dụng ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp và linh hoạt phương thức thanh toán, để người lao động có thể an cư”, đại biểu đề nghị.
Cũng về xác định giá bán, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nhận xét, thiết kế như dự thảo Nghị quyết hiện nay sẽ mất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, khi phải tính toán chi phí, sau rồi lại kiểm toán lại; được cho bán trước kiểm sau với nhiều rủi ro…“Chi phí đấy cũng là tiền. Thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền. Đây là một trong những yếu tố gây đội giá nhà ở xã hội”, đại biểu phân tích và đề nghị cần xác định mức giá trần để doanh nghiệp chủ động định giá bán cụ thể cho từng dự án.
Để gỡ vướng mắc về giá, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất tách riêng giá bán và giá thuê mua nhà ở xã hội, đồng thời phân cấp cho chủ doanh nghiệp chủ động xác định giá, còn cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cho rằng, dù có nhiều nỗ lực nhưng giá nhà ở xã hội hiện nay còn cao so với thu nhập của người lao động.
“25 triệu đồng/m2 với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng rất khó để mua được nhà ở xã hội. Hay giá thuê nhà nếu ở mức 6 triệu đồng/tháng vẫn là cao so với đối tượng cần nhà ở xã hội, bởi họ chủ yếu là người trẻ, lương thấp, công việc bấp bênh, chưa ổn định”, đại biểu phân tích.
Rút ngắn hàng trăm ngày làm thủ tục cho dự án nhà ở xã hội
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã giải trình, làm rõ về những nội dung trong dự thảo Nghị quyết được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp. |
Theo Bộ trưởng, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết với các nhóm chính sách tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; quy định đối tượng thụ hưởng, giá mua, thuê, điều kiện được hưởng chính sách.
Nhóm thứ hai là các cơ chế, chính sách dành cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình đầu tư dự án..., mục tiêu cao nhất là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa quy trình, từ đó rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.
"Theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày và nhiều quy định, quy trình khác rất mất thời gian. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục", Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.
Trả lời góp ý của một số đại biểu về quy định giá sàn hay giá trần nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng không thể quy định theo giá sàn do phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tới đây, ngành chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.
"Đơn cử, sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh khoảng 10% so với dự toán. Nếu đưa ra một mức giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau, chi phí thi công cũng như nhiều yếu tố khác không địa phương nào giống địa phương nào", Bộ trưởng Trần Hồng Minh chia sẻ.