Cơ hội Chứng khoán Việt được nâng hạng sẽ rõ hơn trong năm 2024 Thị trường bất động sản dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024 Xem xét tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển KTXH, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024, 2025 có thể phục hồi tốt hơn năm 2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo
Một số chỉ tiêu KTXH chủ yếu giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Cụ thể là, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP (23,77 - 23,94% so với 23,37%); tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (26,7% so với 37,6%); tỷ lệ lao động qua đào tạo (68% so với 58,6%)…

Trong đó, nổi bật là triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.

Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 so với năm 2023 khoảng 499 nghìn tỷ đồng; trong đó cải cách tiền lương khoảng 470 nghìn tỷ đồng. Nguồn NSNN trích lập để cải cách tiền lương đến năm 2023 là trên 562 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt 8.479,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 366,1 tỷ USD); năm 2022 ước đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 408,7 tỷ USD); năm 2023 ước đạt 10.286,8 - 10.384,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 435,4 - 439,5 tỷ USD).

Bội chi NSNN 3 năm 2021 - 2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đánh giá sơ bộ, Chính phủ cho biết trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Toàn bộ 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án tại Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai. Trong đó, 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và có kết quả rõ ràng; 28 nhiệm vụ đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền ban hành; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm. Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững…

Dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Cùng với việc nhấn mạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn một số vấn đề.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024, 2025 có thể phục hồi tốt hơn năm 2023
Toàn cảnh phiên họp chiều 23/10.

Đó là cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 - 2018; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Chất lượng thu NSNN còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61. Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 còn lúng túng, vướng mắc; một số địa phương phản ánh việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp…

Về đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%).

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.

Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.

Theo Ủy ban Kinh tế, cần bổ sung 4 chỉ tiêu chưa có thông tin đánh giá gồm: Hoàn thiện việc xây dựng công khai hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; chỉ số kỹ năng của sinh viên; nhóm 3 chỉ số trong bộ chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu CGI do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chưa có báo cáo đánh giá; sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc dự kiến không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn

Với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...