Tạo bước cải cách đột phá trong triển khai thủ tục hải quan
Doanh nghiệp làm thủ tục tại cơ quan hải quan. Ảnh tư liệu

Thay đổi toàn diện phương thức

Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, trong đó lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm. Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Đề án quản trị chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 và Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, phát triển hiện đại hóa trọng tâm ngành Hải quan 2024.

Một số chỉ tiêu chuyển đổi số đến năm 2030

+ 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

+ 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

+ 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan...

Ngành Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử; đồng thời, đã loại bỏ các yêu cầu cung cấp thông tin, chứng từ trùng lắp, chồng chéo; phân định rõ thủ tục và các chế độ quản lý hải quan trên cơ sở khuyến nghị và chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi. Bên cạnh đó, đã hài hòa hóa các thủ tục và chế độ hải quan có chung nội dung, bản chất về một thủ tục, chế độ quản lý chuẩn mực, trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Kyoto sửa đổi.

Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) cũng được triển khai mạnh mẽ tại 100% cục hải quan và các chi cục hải quan trên cả nước, với 100% loại hình hải quan cơ bản, trên 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.

Có thể nói, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá, thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử. Việc xử lý phản hồi của cơ quan hải quan cho doanh nghiệp cũng thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu; giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu, các bước thực hiện thủ tục hải quan; giảm bớt sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, hạn chế các phiền hà, tiêu cực, sách nhiễu; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đảm bảo đồng bộ chuyển đổi số

Theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, hiện nay, hải quan toàn cầu đều tập trung thực hiện chuyển đổi số, với trọng tâm là xây dựng hải quan số, hải quan thông minh; ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); chuỗi khối (Blockchain); kết nối Internet vạn vật (IoT)...

Do đó, ông Thành cho rằng, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và của các bộ, ngành để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành Hải quan.

Tổng cục Hải quan sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi với việc triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp, theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạo bước cải cách đột phá trong triển khai thủ tục hải quan
Ảnh minh họa

Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình hải quan số theo kiến trúc chính phủ số, hải quan thông minh, theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao. Đồng thời, ngành Hải quan triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO, đảm bảo cơ quan hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Đặc biệt, toàn ngành thực hiện hải quan xanh; khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết.

Đồng thời, cơ quan hải quan có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn; giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, kịp thời ngăn chặn các vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái bảo vệ động vật hoang dã.

Nhằm cải cách, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, ngành Hải quan cũng sẽ triển khai hiệu quả Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, ngành Hải quan xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các hải quan vùng; xây dựng, triển khai mô hình địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan phù hợp với tình hình thực tế./.