Doanh nghiệp đại lý hải quan làm thủ tục tại cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Thu |
PV: Các chuyên gia đều cho rằng, đại lý hải quan ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Trần Tiến Dũng: Vai trò của đại lý hải quan tại Việt Nam hiện nay là rất quan trọng và ngày càng được khẳng định.
Trước tiên, đại lý hải quan là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Đại lý hải quan giúp doanh nghiệp hiểu rõ các quy định pháp luật hải quan, các thủ tục hải quan, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục một cách chính xác và nhanh chóng. Thông qua đó, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, đại lý hải quan giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí làm hàng, giảm các rủi ro pháp lý có thể phát sinh do vi phạm quy định trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đặc biệt, việc sử dụng dịch vụ của đại lý hải quan giúp doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
PV: Ghi nhận từ thực tiễn hoạt động của các đại lý hải quan hiện nay, theo ông, họ đang có thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình triển khai các nghiệp vụ của mình?
Ông Trần Tiến Dũng: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, vai trò của đại lý hải quan tại Việt Nam ngày càng được khẳng định. Do vậy, các doanh nghiệp là đại lý hải quan cũng có nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có hoạt động thông quan hàng hóa. Thể hiện qua việc liên tục cải cách thủ tục hải quan, giảm thiểu các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và đại lý hải quan thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Thứ hai, cơ quan hải quan cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hải quan, như hệ thống khai báo điện tử, cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, giúp rút ngắn thời gian thông quan và giảm thiểu chi phí.
Đồng thời, tăng cường hoạt động phổ biến các chính sách mới và đang dạng các kênh truyền tải thông tin, giúp doanh nghiệp và đại lý hải quan được cập nhật một cách nhanh chóng, kịp thời.
Riêng các đại lý hải quan còn được cơ quan hải quan tổ chức đạo tạo và cấp chứng chỉ hành nghề, giúp đại lý hải quan cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn.
Ngoài ra, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và toàn diện với các nền kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ tạo ra một thị trường dịch vụ rất lớn, là một cơ hội phát triển mạnh mẽ của các đại lý hải quan.
Bên cạnh những thuận lợi, các đại lý hải quan cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình hoạt động của mình.
Có thể kể đến là nhu cầu về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực hải quan ngày càng lớn, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Hiện tại tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan ở mức rất thấp. Ví dụ như kỳ 1 năm 2024 được tổ chức vừa qua tại trường Hải quan Việt Nam, tỷ lệ đỗ chỉ có 64/290 thí sinh, khoảng 22%.
Hay việc chưa có sự khác biệt nhiều trong việc khai báo hải quan giữa đại lý hải quan và các đơn vị cung ứng dịch vụ khác, dẫn đến việc doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ được vai trò của đại lý hải quan, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của đại lý hải quan
Hơn thế nữa, hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như quyền lợi của đại lý hải quan trong hoạt động khai báo hải quan. Việc này các rủi ro pháp lý mà các đại lý hải quan có thể gặp phải trong quá trình hoạt động của mình.
PV: Có ý kiến cho rằng các đại lý đang chưa hoạt động hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân này là do đâu?
Ông Trần Tiến Dũng: Đại lý hải quan là doanh nghiệp, họ hoạt động dựa trên hiệu quả kinh tế. Bản thân các đại lý hiện tại cũng chưa "thiết tha" với việc thúc đẩy hoạt động đại lý của mình. Theo tôi có 2 nguyên nhân chính.
Một là vấn đề rủi ro về pháp lý như đã nêu trên, dẫn đến họ còn dè dặt trong hoạt động. Hai là chi phí cho hoạt động của khai báo của đại lý hải quan cao hơn các đơn vị cung ứng dịch vụ thông thường, trong khi đó giá trị dịch vụ không có nhiều sự khác biệt, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp hơn.
PV: Vậy theo ông, cần phải làm gì để các đại lý hải quan phát triển tốt hơn, phát huy được vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu?
Ông Trần Tiến Dũng: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần có các quy định pháp lý rõ ràng liên quan đến hoạt động của đại lý hải quan, đảm bảo được quyền lợi cũng như trách nhiệm của đại lý hải quan, giúp giảm thiểu các rủi ro pháp lý.
Song song với đó là cần có một cơ chế ưu tiên trong hoạt động khai báo giữa đại lý hải quan và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khác. Ví dụ để khai báo thông qua đại lý hải quan thì cần phải có nhân viên được đào tạo, được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan. Trong khi đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc doanh nghiệp dịch vụ khác thì không cần có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan vẫn khai báo được bình thường. Do vậy làm giảm tính cạnh tranh của đại lý hải quan.
Cuối cùng là các đại lý cần được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ hải quan, cũng như cập nhật kiến thức pháp luật hải quan thường xuyên.
PV: Xin cảm ơn ông!